Trước khi thực hiện Chỉ thị số 34/CT-BQP, hệ thống chính trị ở cơ sở trong tỉnh đã không ngừng được củng cố và kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đó là đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu; ngân sách cho hoạt động QP-AN ở cơ sở tuy đã được quan tâm, song chưa đáp ứng; nhất là đội ngũ cán bộ quân sự ở cơ sở hầu hết chưa được đào tạo cơ bản. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ QS-QP địa phương và xây dựng cơ sở VMTD trong tình hình mới.
![]() |
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 34/CT-BQP. |
Nhằm tạo sức bật mới trong thực hiện công tác QS-QP ở cơ sở, tỉnh đã chỉ đạo quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư nói chung về công tác QS-QP địa phương, Chỉ thị số 34 nói riêng về công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở. Xác định đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài, UBND tỉnh đã thành lập BCĐ thực hiện Chỉ thị do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm phó ban; lãnh đạo các Sở Nội vụ, Tài chính, KH&ĐT, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, Trường Quân sự tỉnh làm uỷ viên. BCĐ đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố lập ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng thành phần. Hàng năm, căn cứ vào chỉ thị, nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nâng cao chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng cơ sở VMTD đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch nguồn cán bộ quân sự để tuyển chọn đưa đi đào tạo đảm bảo đúng, đủ chỉ tiêu, thành phần theo yêu cầu của cơ sở.
Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức tuyển chọn biên chế, kiện toàn đội ngũ giáo viên, kiện toàn các ban, khoa và tổ giáo viên đảm nhiệm giảng dạy các môn. Trước khi mở các khoá đào tạo, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 tổ chức. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học. Đầu tư cho hệ thống đào tạo (thao trường, bãi tập, nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt cho học viên...) được tỉnh đặc biệt chú trong (trên 66 tỷ đồng trong 10 năm qua).
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng cán bộ, BCĐ tỉnh đã bàn, thống nhất chủ trương, tiêu chuẩn chọn và cơ cấu sử dụng cán bộ sau đào tạo, trong đó ưu tiên số cán bộ đang giữ chức chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã; đồng thời chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, để từ đó mở các khoá đào tạo phù hợp. Đến nay, tỉnh đã mở được 4 khoá với 277 học viên được đào tạo theo chương trình của Bộ Quốc phòng. Sau khi ra trường, các học viên được cấp bằng trung cấp quân sự và bằng trung cấp lý luận chính trị. Cũng thời gian này, tỉnh còn cử 157 học viên học trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự theo tinh thần Quyết định 73/2008 của Bộ GD-ĐT về chương trình khung về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở. Sau khi ra trường, số cán bộ này được bố trí đúng chuyên môn, đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác QS-QP địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về đào tạo cán bộ quân sự cơ sở, với những cách làm thiết thực, phù hợp, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và củng cố QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ANCT-TTATXH ở cơ sở, địa phương trong tỉnh.
Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả * Đại tá Nguyễn Mạnh Kha, Phó TMT Bộ Tư lệnh Qk3: “Quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo và các chế độ đãi ngộ” Với tinh thần tích cực, chủ động các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác tham mưu, tổ chức đào tạo, đầu tư ngân sách củng cố, nâng cấp Trường Quân sự tỉnh, đảm bảo cho nhiệm vụ đào tạo mang lại kết quả cao nhất. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, cơ sở thực hiện công tác tuyển chọn đầu vào đảm bảo đúng đối tượng, đủ thành phần. Với những kết quả đó, Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu của Quân khu 3 hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ theo tinh thần Chỉ thị số 34 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Tiếp tục làm tốt công tác rà soát, quy hoạch nguồn cán bộ quân sự để cử đi đào tạo, đồng thời bố trí, sắp xếp công việc phù hợp sau khi ra trường; tiếp tục kiện toàn, bổ sung BCĐ các cấp nhằm xây dựng, hoàn thiện giáo trình, giáo án, bài giảng và cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập nhằm thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quân sự ở cơ sở, từng bước chuẩn hoá về mục tiêu, yêu cầu đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành. Đặc biệt quan tâm đầu tư kinh phí, kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm cho công tác đào tạo và các chế độ, chính sách đãi ngộ cho học viên hợp lý * Đồng chí Lê Thị Hạnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: “Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nguồn” Bên cạnh tiêu chuẩn chung của công chức cấp xã, công chức là chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã còn phải có khả năng phối hợp với các đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Bởi thế, việc tuyển dụng được thực hiện theo hình thức xét tuyển và bổ nhiệm; việc điều động, tiếp nhận do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định theo phân cấp quản lý công chức địa phương. 10 năm qua, Sở đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh rà soát danh sách, thẩm định hồ sơ, xét cử cán bộ và thực hiện cử 80 lượt học viên đi đào tạo trung cấp quân sự; bồi dưỡng, hoàn thiện chương trình trung cấp chuyên ngành quân sự cơ sở cho 286 lượt học viên; bồi dưỡng Chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã cho 474 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ quân sự địa phương cho 160 lượt học viên. Đến nay, qua kiểm tra, theo dõi, đội ngũ cán bộ được cử đi học đã và đang phát huy tốt vai trò của mình ở cơ sở. * Thượng tá Nguyễn Hảo Thiếu, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đông Triều: “Xác định rõ lộ trình, áp dụng loại hình đào tạo phù hợp” Đến nay, toàn huyện có 19/21 đồng chí chỉ huy trưởng, 38/42 phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã đã qua đào tạo chỉ huy trưởng và trung cấp quân sự tại Trường Quân sự tỉnh; 100% số cán bộ trên là đảng viên; 26 đồng chí tham gia vào HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2011-2016. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai công tác này của huyện cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Công tác tuyển chọn, quy hoạch chưa mang tính lâu dài, thiếu tính liên tục; một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cử cán bộ quân sự đi học. Vì thế, để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, huyện sẽ tập trung chỉ đạo làm tốt việc sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng và các đơn vị theo biên chế; tiếp tục rà soát, cử cán bộ đi đào tạo theo quy định, đồng thời quan tâm, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với cán bộ quân sự cơ sở khi được cử đi đào tạo để họ yên tâm học tập cũng như ra công tác sau này. Hiện đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã đã được sắp xếp tương đối ổn định và cơ bản đạt trình độ trung cấp, tuy nhiên để nâng trình độ lên bậc cao đẳng và đại học cần có kế hoạch, xác định rõ lộ trình và nên áp dụng loại hình đào tạo liên thông cho phù hợp hơn với thực tế. |
Quang Minh (Thực hiện)