Minh Châu có diện tích tự nhiên trên 5.000ha, toàn xã có 250 hộ dân với trên 1.200 nhân khẩu, sinh sống ở 4 thôn là Quang Trung, Nam Hải, Ninh Hải và Tiền Hải. Trước đây, người dân xã đảo Minh Châu chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi biển, đánh bắt ven bờ nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Những năm gần đây, để khai thác những tiềm năng thế mạnh của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân xây dựng phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, kết hợp nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Tuy nhiên, cũng giống như các xã đảo còn lại của Vân Đồn, do cách xa đất liền nên Minh Châu vẫn chưa thể khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh trong việc phát triển kinh tế, khi chưa có điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc khó khăn, y tế, giáo dục chưa phát triển, đặc biệt là thiếu nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
![]() |
Bến cập tàu Minh Châu hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Ông Nguyễn Tiến Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu cho biết: “Mặc dù hộ dân ở các xã đảo đều được Nhà nước hỗ trợ xây bể để chứa nước mưa, nhưng mỗi bể chỉ có dung tích từ 3-4m3 nước nên không thể đủ cho người dân dùng quanh năm, trong khi đó, hầu như các thôn đều khó tìm được nguồn nước dồi dào, hoặc nếu có thì lại không có tiền đầu tư giếng khoan, máy bơm…”. Có lẽ vì thế mà tất cả 4 thôn trên đảo đều lâm vào tình trạng thiếu nước. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của người dân khi số lượng giếng đào của 3/4 thôn đều bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải dùng nguồn nước đó để sinh hoạt. Mặc dù, xã đã đề xuất huyện cải tiến đập Tiêu San (thôn Ninh Hải) để lấy nguồn nước ngọt nhưng để làm được điều này thì cần số tiền đầu tư lên tới 15 tỷ đồng. Với số tiền đầu tư lớn như vậy xã cũng chỉ biết trông chờ cấp trên hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đoạn đường liên thôn đấu nối với trục đường chính Quan Lạn - Minh Châu dài hơn 4km và bến cập tàu Minh Châu hiện cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khi đây đều là những tuyến đường chính để vận chuyển khách du lịch, giao thương hàng hoá trên đảo.
Theo tính toán của ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, để đầu tư nâng cấp những hạng mục trên xã sẽ cần số tiền đầu tư từ 10-20 tỷ đồng. Đây cũng lại là một bài toán khó đối với nguồn lực của xã trong thời điểm hiện tại.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết thêm, có lẽ tiềm năng để phát triển kinh tế lớn nhất của xã hiện nay là phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển. Và một trong những dự án lớn, được kỳ vọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, trên địa bàn 2 xã Quan Lạn và Minh Châu là dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Minh Châu - Quan Lạn thì hiện đang chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB. Ông Sang cho biết, người dân 2 xã đang rất mong mỏi dự án sớm được đưa vào sử dụng vì với tổng chiều dài trên 15km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, sau khi được hoàn thành sẽ là một điểm nhấn quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đưa các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu trở thành điểm đến của du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao.
Rời Minh Châu vào một buổi chiều nắng nhẹ, lắng nghe trong không gian tiếng sóng biển hoà cùng tiếng cười nói rộn ràng của du khách, chúng tôi hy vọng rằng những trăn trở của người dân trên đảo sẽ sớm được khắc phục, để trong tương lai không xa, Minh Châu sẽ khơi dậy thế mạnh du lịch, tạo cho vùng biển đảo này có sự phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.
Hoàng Nga