![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh miễn phí cho thương, bệnh binh trên địa bàn TP Hạ Long. |
Từ lao động, việc làm...
Một trong những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra chính là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, tỉnh chú trọng đa dạng hoá các hoạt động tạo việc làm cho người lao động, như: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các dự án vay vốn…
Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng các ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo thuận lợi cho xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Sở còn tập trung nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, khai thác thông tin thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch giới thiệu việc làm, giúp đưa thông tin về nguồn “cung” lao động đến với các đơn vị, doanh nghiệp. Tỉnh đã tranh thủ các dự án để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2011 đến nay, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh bổ sung vào Quỹ cho vay giải quyết việc làm lên tới khoảng 15,5 tỷ đồng. Đến tháng 6-2013, toàn tỉnh có 1.200 dự án vay vốn từ Quỹ cho vay giải quyết việc làm với số tiền lên tới hơn 70,4 tỷ đồng… Nhờ đó, số lao động ở Quảng Ninh được giải quyết việc làm từ năm 2011 đến nay lên tới gần 67.000 người, tính trung bình tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2,6-2,7 vạn lao động/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Không chỉ tập trung cho giải quyết việc làm, tỉnh còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng lao động thông qua công tác đào tạo nghề. Mạng lưới dạy nghề ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh có 47 cơ sở dạy nghề, tăng 14 cơ sở so với năm 2010. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được các địa phương quan tâm hơn, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Quảng Ninh là 48% thì đến nay đã tăng lên gần 55% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2013 là 1,5%).
...Đến đối tượng chính sách
Để góp phần ổn định đời sống cho người dân, không chỉ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động mà công tác giảm nghèo, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công… cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong những năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm sóc cho người nghèo, các đối tượng chính sách; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH cho những vùng khó khăn. Năm 2011 và 2012, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiền điện cho hơn 38.000 hộ nghèo với kinh phí hơn 12,6 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất năm 2012 hơn 586 tỷ đồng. Các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm, hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của nhà nước. Tính đến hết tháng 3-2013, toàn tỉnh có 25.117 đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp hàng tháng. Các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, bình quân mỗi xã khoảng 1 tỷ đồng/ năm. Nhờ đó, số hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh. Nếu như vào cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 7,68% thì đến nay giảm còn gần 3,1%, bình quân mỗi năm giảm khoảng 2%, vượt 0,9% so với Nghị quyết đề ra.
Các chính sách của nhà nước đối với người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, chăm lo thực hiện tốt các mục tiêu vì trẻ em cũng được tỉnh thực hiện hiệu quả. Việc phòng ngừa, giải quyết các tệ nạn xã hội được các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ. Tính từ năm 2010 đến hết tháng 5-2013, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Vũ Oai đã chữa trị, giáo dục, cai nghiện cho gần 2.900 lượt người nghiện ma tuý…
Cầm Khuê