Thứ tư, 30/04/2025, 4:10 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Đầu tư xây dựng các khu tránh, trú bão cho tàu thuyền: Khó về vốn

Tính đến nay, Quảng Ninh có 53 vị trí neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền, tuy nhiên, tất cả các vị trí này đều là các điểm tự phát chưa được đầu tư xây dựng nên quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng thiếu, không đáp ứng được nhu cầu tránh, trú bão của các tàu thuyền. Mặc dù, đến nay chưa có con số thống kê sau mỗi mùa mưa bão, số tàu thuyền bị hư hỏng vì lý do không có điểm neo đậu tránh, trú bão an toàn ở mức nào, nhưng chắc chắn, con số này là không ít.



Ông Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Quảng Ninh có đường bờ biển dài, ngư trường rộng nên số lượng tàu thuyền hoạt động nghề cá trên biển nhiều và không ngừng tăng lên qua các năm. Khi khai thác biển vẫn là nghề mưu sinh chính của phần lớn ngư dân vùng ven biển thì với họ các khu neo đậu, tránh trú bão chính là những “phao cứu sinh” để ứng phó với những cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên. Các khu neo đậu tránh, trú bão không chỉ là giải quyết nỗi lo khi có mưa bão mà còn là bến đỗ an toàn sau những chuyến vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân. Bởi tại đây, sau mỗi chuyến đi khơi dài ngày về những ngư dân có điểm để đỗ tàu nghỉ ngơi, sửa chữa máy móc, ngư lưới cụ, trao đổi mua bán các vật tư cần thiết cho những chuyến ra khơi tiếp theo, từ đó góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đảo”.

Theo định hướng của Chính phủ thì tới đây kinh tế biển sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Việt Nam và vùng duyên hải Bắc Bộ sẽ trở thành một trong những trung tâm chính. Như vậy, trong những năm tới, số lượng phương tiện thuỷ có trọng tải và công suất lớn chắc chắn sẽ tăng lên. Việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu để mỗi khi có bão về.

Quảng Ninh có 8 điểm quy hoạch làm khu neo đậu tránh trú bão tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) bao gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Cô Tô, Hạ Long, Hải Hà, Quảng Yên, Cẩm Phả, Móng Cái. Tất cả các khu neo đậu tránh, trú bão này nằm ở các khu tập trung nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông thuận tiện, bến bãi rộng, xa khu vực dân cư và được bao bọc bởi các dãy núi đá có khả năng che chắn sóng gió tốt.

Bên cạnh đó, các khu neo đậu tránh, trú bão được thiết kế chắc chắn, an toàn cho tàu có công suất từ 200-600CV, hệ thống luồng lạch rộng, tàu thuyền ra vào thuận tiện. Căn cứ vào quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo lập và triển khai các dự án đầu tư các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền nghề cá của từng khu vực. Có thể coi đây là tín hiệu vui cho ngư dân Quảng Ninh, bởi khi các dự án được hoàn thành sẽ là nơi an toàn và tin cậy cho các tàu thuyền tập trung về tránh, trú bão.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 dự án được UBND tỉnh quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư là 433,8 tỷ đồng; trong đó có 5 dự án đang triển khai thi công xây dựng (4 dự án sử dụng ngân sách Trung ương hoặc hỗn hợp ngân sách Trung ương và địa phương, 1 dự án sử dụng ngân sách địa phương) và 1 dự án đã có quyết định đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án này được triển khai khá chậm, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí đầu tư xây dựng các khu tránh, trú bão ở địa phương lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện nay, số vốn ngân sách cấp cho các dự án là 146,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 120,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 25,9 tỷ đồng. Như vậy nhu cầu về vốn còn thiếu 287,3 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư các dự án đã được duyệt.

Có thể thấy, dù đã có những cố gắng, nỗ lực trong đầu tư xây dựng các nơi tránh, trú ẩn cho tàu thuyền hoạt động nghề cá trước mỗi cơn bão đổ bộ nhưng xét trên tổng thể chung, với đặc thù địa bàn hoạt động của tỉnh ven biển, có số lượng tàu thuyền lớn, nơi không chỉ tập trung ngư dân trên địa bàn mà cũng là điểm đến nhanh nhất của ngư dân các địa phương khác khi đang hoạt động khai thác thuỷ sản trên Vịnh Bắc Bộ chạy về tránh, trú bão thì sự đầu tư này còn quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, theo quy hoạch  khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2011-2015 thì các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn tỉnh thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách huyện. Tuy nhiên, đây là các công trình có mức kinh phí đầu tư lớn ngoài khả năng cân đối kinh phí đầu tư của một số huyện, thị xã, thành phố. Hầu hết các dự án đều phải thi công ngoài biển, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, hơn nữa đây là các khu vực nuôi trồng thủy sản của ngư dân, lưu lượng tàu thuyền qua lại hàng ngày rất lớn, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án.

Thiết nghĩ, để có thể mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển thì đầu tư các hậu cứ vững chắc cho ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển, vượt qua những cơn thịnh nộ của thiên nhiên là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ là để ứng phó với thiên tai bất thường, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân mà còn giữ vững và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biển đảo, chủ quyền của quốc gia. Chính vì thế, đầu tư xây dựng các điểm tránh, trú bão tập trung cần được quan tâm dành nguồn lực.

Cao Quỳnh