Thứ tư, 30/04/2025, 0:38 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Dè dặt bán vàng vật chất

Có một thực tế là trong thời gian qua, hoạt động giao dịch vàng tại các ngân hàng phần nhiều dưới dạng ký gửi. Đối với khách hàng có nhu cầu mua vàng vật chất thì rất khó được ngân hàng chấp thuận. Điều này gây khá nhiều khó khăn cho người dân khi cần phải sử dụng tới vàng miếng vật chất.



Theo các quy định trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mọi giao dịch mua bán vàng miếng của người dân chỉ có thể đến một số điểm giao dịch cụ thể của ngân hàng đã được cấp phép. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 11 ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với 42 điểm giao dịch, gồm: Eximbank, Dong A Bank, Techcombank, Sacombank, ACB, SCB, OCB, Agribank, Maritimebank, SHB, MHB. Các điểm giao dịch vẫn tập trung nhiều nhất ở TP Hạ Long (21 điểm giao dịch); TP Uông Bí (5 điểm); TP Cẩm Phả (6 điểm); Móng Cái (6 điểm)… Các ngân hàng đều cam kết đảm bảo đủ lượng vàng để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế đa phần các ngân hàng hiện nay chỉ khuyến khích khách hàng mua vàng dưới dạng ký gửi để hạn chế tối đa giải ngân vàng vật chất. Theo phản ánh của rất nhiều người dân, đặc biệt là trong hơn 1 tháng qua, rất khó khăn mới có thể mua vàng miếng vật chất tại các ngân hàng trên địa bàn.

Các ngân hàng chủ yếu khuyến khích khách hàng mua vàng miếng dưới dạng ký gửi. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Quảng Ninh.
Các ngân hàng chủ yếu khuyến khích khách hàng mua vàng miếng dưới dạng ký gửi. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Quảng Ninh.

Trường hợp như của chị Nguyễn Thị Bích ở phố Hải Thịnh, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, do gia đình có việc cần dùng đến vàng miếng để trả nợ, chị Bích đã tới một số ngân hàng được công bố là bán vàng miếng để mua vàng. Mặc dù số lượng vàng chị Bích mua không lớn, tuy nhiên các ngân hàng chị đến giao dịch đều chỉ đồng ý bán vàng dưới dạng ký gửi và từ chối bán vàng vật chất cho chị. Quá bất ngờ, chị Bích cho biết: Tôi cứ nghĩ bây giờ các cửa hàng vàng không bán vàng miếng nữa mà quy hết về cho ngân hàng thì việc mua bán vàng miếng phải diễn ra thuận lợi hơn chứ không ngờ lại khó khăn đến vậy. Trong 4 ngân hàng tôi tìm đến mua vàng thì có tới 3 ngân hàng chỉ chấp nhận mua dạng ký gửi, còn 1 ngân hàng thì khất hẹn tạm thời không giao dịch bán vàng. Hạn trả nợ đã tới, có lẽ cũng phải tính đến chuyện mua vàng ở “chợ đen”… Được biết, những trường hợp như chị Bích không phải là cá biệt, thời gian qua, có khá nhiều trường hợp người dân không mua được vàng miếng vật chất từ phía ngân hàng.

Tìm hiểu nguyên nhân được biết, thời điểm 30-6 là thời hạn “chốt sổ”, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng hoàn tất việc tất toán các hợp đồng huy động vàng trong dân. Do vậy, để đảm bảo đủ “nguồn”, ngân hàng tạm thời siết chặt việc bán vàng, đặc biệt là việc xuất vàng vật chất cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, ngay cả sau thời điểm 30-6, khi hạn tất toán đã xong, nhiều người dân vẫn phản ánh khó khăn để mua được vàng miếng vật chất tại ngân hàng. Khảo sát giao dịch vàng tại ngân hàng trong những ngày vừa qua, chúng tôi thấy đa phần các ngân hàng vẫn chủ yếu thực hiện việc bán vàng dưới dạng ký gửi và khá dè dặt với việc bán vàng miếng vật chất cho người dân, thậm chí tình trạng này cũng xảy ra cả đối với một số ngân hàng vốn có hoạt động giao dịch vàng miếng tương đối thuận lợi từ trước đến nay như SCB, Đông Á, Maritime Bank. Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: “Để hoạt động giao dịch diễn ra công khai, minh bạch NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu các đơn vị trên thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai giá mua, bán vàng miếng và chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hoá đơn, chứng từ nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân khi mua, bán vàng miếng. Tất cả các đơn vị bán vàng miếng phải có bảng giá điện tử, phải xuất hoá đơn cho người dân. Về cơ bản các vấn đề này các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc. Còn đối với việc bán vàng vật chất là do nhu cầu của thị trường cũng như khả năng điều tiết của mỗi ngân hàng. Do vậy, ngân hàng là chủ thể quyết định bán vàng miếng vật chất ra thị trường nhiều hay ít”.  

Rõ ràng với việc ngân hàng quá dè dặt với việc bán vàng miếng vật chất sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với người dân khi có nhu cầu. Không hiếm trường hợp người dân phải cất công tới các điểm bán vàng miếng của các công ty vàng được cấp phép ở các tỉnh lân cận hoặc chấp nhận giao dịch “chợ đen” với mức giá giao dịch cao hơn hẳn so với ngân hàng niêm yết. Để đảm bảo tính công khai minh bạch thị trường vàng cũng như bảo vệ quyền lợi khách hàng, thiết nghĩ, các ngân hàng cần có động thái tích cực hơn.

Hồng Nhung