Thứ tư, 30/04/2025, 12:41 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển

Việc xây dựng nền chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững của Quảng Ninh thật không đơn giản khi chính nó lại phải đối mặt với bộn bề khó khăn. Việc tìm lời giải cho bài toán này không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều”, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, các ngành và người chăn nuôi.

Ảnh minh họa. (nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (nguồn Internet)

Khó khăn của chăn nuôi

Tính đến nay, toàn tỉnh đàn trâu có 48.692 con, giảm 11,5% so cùng kỳ; đàn bò 17.983 con, giảm 11,11%; đàn lợn 353.300 con, tăng 4,06% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 29.902,4 tấn, tăng 18,67% cùng kỳ; sản lượng thịt trâu, bò 1.853,9 tấn, tăng 30,34%; sữa 209 tấn, giảm 11,44%; trứng gia cầm 47 triệu quả, tăng 21,71% cùng kỳ.

Thực tế cho thấy thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đang gặp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là do hiện nay, hình thức tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại chỉ chiếm gần 3%. Do đó, các vấn đề tiêm phòng, kiểm dịch và vệ sinh còn nhiều hạn chế, chăn nuôi phân  tán trong khu dân cư nên việc kiểm soát dịch bệnh là rất khó khăn, không tạo được vùng hàng hoá tập trung, khó có sản xuất theo chuỗi để giảm chi phí giá thành và đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Cùng với đó, thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tình hình thời tiết và dịch bệnh. Chỉ tính riêng từ 15-4 đến 29-4 đã có 6.437 con gia cầm ở 11 hộ gia đình thuộc 7 xã, phường của thành phố Móng Cái và huyện Đông Triều bị bệnh chết và tiêu huỷ. Một nguyên nhân khác, đó là giá nguyên liệu, thức ăn liên tục tăng cao từ 14-17% (9.000-12.000 đồng/kg), song giá thành sản phẩm lại biến động theo chiều ngược lại đã đẩy người chăn nuôi vào tình trạng hết sức khó khăn. Trong giai đoạn hiện nay, giá sản phẩm đã rất thấp, nhưng lượng “hàng tồn kho” lại đang rất cao, do đó ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng thừa. Trong thời điểm khan hiếm con giống như hiện nay, chọn được con giống đạt yêu cầu về trọng lượng, dáng vóc đã khó nói gì đến phẩm cấp, nguồn gốc bố mẹ ra sao. Ngoài nguyên nhân từ dịch bệnh còn do hiện trên địa bàn tỉnh cơ sở giống bảo đảm chất lượng còn quá hiếm. Người chăn nuôi luôn phải đối mặt với khó khăn, hết dịch bệnh rồi đến thông tin hoá chất độc hại làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến sức tiêu thụ giảm, thị trường bấp bênh, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Giải pháp cho phát triển chăn nuôi

Nhằm chủ động kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, tỉnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng các loại vắc xin, quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn. Trong 5 tháng các ngành chức năng đã bắt giữ và xử lý 106 vụ vận chuyển trái phép; cấp 1,3 triệu liều vắc xin gia cầm; cấp 2.989 lít hoá chất phun tiêu trùng khử độc... Cùng với việc chỉ đạo, khuyến khích phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, gắn với giết mổ, chế biến tập trung, tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015, định hướng 2020 và cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020, các ngành chức năng cũng phối hợp thực hiện chương trình Dự án củng cố nâng cao chất lượng đàn lợn giống giai đoạn 2012-2015, Dự án khí sinh học giai đoạn 2008-2015, đánh giá tình hình thực hiện và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ quy hoạch lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2022.  Cùng với việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng liên kết nông hộ tập trung, củng cố và phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi của doanh nghiệp và gia trại, trang trại, tỉnh cũng xây dựng chính sách đầu tư hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi tập trung để vừa thực hiện được chăn nuôi an toàn sinh học, vừa quản lý việc xử lý ô nhiễm, tăng cường đổi mới mạnh mẽ cơ cấu giống nhằm tạo bước đột phá tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định thì công tác tuyên truyền nhằm làm cho người chăn nuôi hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá cũng như quảng bá các công nghệ chăn nuôi, quy trình kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, cung cấp các địa chỉ trang trại sản xuất giống đủ tiêu chuẩn và an toàn dịch bệnh là vô cùng quan trọng và cần tập trung đẩy mạnh. Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn mà còn từng bước xây dựng ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững.

Cao Quỳnh