Cái khó của doanh nghiệp
Đồng chí Vũ Đức Hoàn, Chủ tịch UBND phường Hà An tâm sự: Nhìn lại thời điểm cách đây có vài năm so sánh với bây giờ thấy buồn quá. Thời hoàng kim, các xưởng đóng tàu ở phường Hà An thu hút trên 2.000 lao động; trung bình mỗi năm xuất xưởng vài trăm tàu thuyền vỏ gỗ. Thời đó, cứ mỗi buổi chiều trên những con đường người ta lại thấy công nhân từ các xưởng tàu tấp nập đi về. Thế nhưng không biết đến bao giờ chúng tôi mới có thể nhìn thấy lại cái không khí sản xuất sôi động ngày ấy. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các xưởng đóng tàu trên địa bàn phường, thật không khó để thấy vẻ đìu hiu. Chúng tôi ghé thăm xưởng đóng tàu của Công ty TNHH Hoàng Cau, đây là một trong những xưởng đóng tàu có truyền thống lâu đời nhất ở đây. Ông Hoàng Văn Cau, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Cau than thở: “Gia đình tôi đã có truyền thống đóng tàu thuyền, đến tôi cũng đã ngót 5 đời làm nghề này rồi. Thế nhưng, chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện nay. Giữa tháng 4-2012, tỉnh có quyết định chấm dứt sử dụng tàu vỏ gỗ hoạt động trên Vịnh Hạ Long, thì các đơn hàng đóng tàu vỏ gỗ đều đã bị huỷ bỏ hết. Từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phải tự bươn trải tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn hàng nên giờ đây chúng tôi chỉ trông chờ vào nguồn hàng đóng mới và sửa chữa các loại tàu đánh bắt thuỷ sản. Khan hiếm đơn hàng đóng mới tàu khiến doanh nghiệp thêm khó khăn, công nhân lao động không có việc làm. Hiện nay xưởng chúng tôi chỉ còn duy trì cố định từ 5-7 lao động, còn lại chủ yếu thuê theo mùa vụ”. Tiếp tục câu chuyện của mình, ông Cau ngậm ngùi nói: “Việc chuyển đổi từ đóng tàu vỏ gỗ sang đóng tàu vỏ sắt đối với các xưởng tàu ở Hà An phù hợp với xu thế phát triển. Công ty chúng tôi cũng như đa số các đơn vị đóng tàu khác trong phường, trước đây, do chỉ đóng và sửa chữa các con tàu vỏ gỗ, trọng tải thấp nên mặt bằng nhỏ cũng vẫn hoạt động được. Nhưng bây giờ các đơn hàng đóng thuyền trọng tải lớn là chủ yếu nên mặt bằng cũ, kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ cũ không đáp ứng được nữa. Thế nhưng nghịch lý là tiền ở đâu, vốn ở đâu để đầu tư. Thực tế cho thấy, để đầu tư, trang bị máy móc, tích trữ nguyên liệu, nâng cao trình độ kỹ thuật mở rộng nhà xưởng đóng tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đóng tàu vỏ sắt cần một số vốn không hề nhỏ. Song tiếp cận được với vốn vay ngân hàng là điều không đơn giản. Chính điều đó đã tạo thành cái vòng tròn luẩn quẩn “bóp nghẹt” doanh nghiệp”.
![]() |
Để đầu tư, trang bị máy móc, tích trữ nguyên liệu, nâng cao trình độ kỹ thuật mở rộng nhà xưởng đóng tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đóng tàu vỏ sắt cần một số vốn không hề nhỏ. Song tiếp cận được với vốn vay ngân hàng là điều không đơn giản. |
Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu
Các xưởng đóng tàu trên địa bàn phường hiện nay chủ yếu tập trung ở Cụm công nghiệp (CCN) Hà An. Đến nay, CCN Hà An có 23 doanh nghiệp, tổ hợp hợp tác xã đóng tàu đang hoạt động. Vào thời kỳ hoàng kim, các xưởng đóng tàu ở đây thu hút hàng nghìn lao động vậy mà từ khi được phê duyệt quy hoạch CCN - làng nghề đến nay CCN Hà An chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đồng chí Chủ tịch UBND phường cho biết. Ngay cả hạ tầng cơ sở thiết yếu nhất như điện, đường, nước sinh hoạt cũng chưa được quan tâm đầu tư. Đơn cử như con đường dẫn vào CCN, các xe chở vật liệu xây dựng chỉ có thể đi qua con đường khu 12, phường Hà An. Hơn chục năm trước, con đường này được làm để phục vụ dân sinh, nay hàng ngày phải “quằn mình” chịu đựng hàng chục xe chở vật liệu trọng tải lớn giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Các doanh nghiệp buộc phải giảm tải, chi phí vận chuyển tăng. Đó là chưa kể đến nước sinh hoạt hầu hết các xưởng đóng tàu đều cũng phải tự mua ở nơi khác về để dùng. Khó khăn này chưa giải quyết được lại chồng chất khó khăn khác. Ông Bùi Huy Tập, Giám đốc Xí nghiệp Đóng tàu vận tải Thành An cho biết: “Đấy cô xem, cả ngày mất điện thế này, công ty chúng tôi buộc phải cho 35 công nhân ngừng làm việc, hoạt động sản xuất cũng vì thế mà đình trệ. Điện sản xuất cho các doanh nghiệp ở đây từ lâu nay không được ổn định. Tình trạng mất điện, thiếu điện diễn ra thường xuyên gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, việc đóng tàu sắt có công suất lớn do đó đòi hỏi nguồn điện phải ổn định. Ngành điện đang yêu cầu chúng tôi phải tự bỏ tiền đầu tư trạm điện phục vụ hoạt động của mình. Trong hoàn cảnh hoạt động cầm chừng như thế này việc đầu tư thiết bị để sản xuất đã khó nói gì đến đầu tư trạm biến áp”.
Việc chuyển đổi từ đóng tàu vỏ gỗ sang đóng tàu vỏ sắt đối với các xưởng tàu ở Hà An là tất yếu. Tuy nhiên, đây không phải là một việc làm đơn giản. Bởi hạ tầng cơ sở tại hầu hết các xưởng tàu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu để đóng mới tàu vỏ sắt, đặc biệt là tàu sắt trọng tải lớn. Ông Bùi Huy Tập nói thêm: “Trước đây, do chỉ đóng và sửa chữa các con tàu vỏ gỗ, trọng tải thấp nên mặt bằng nhỏ các công ty cũng vẫn hoạt động được. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch đầu tư thiết bị, kỹ thuật, công nghệ chuyển dần sang đóng mới tàu vỏ sắt. Nhưng bây giờ các đơn hàng đóng thuyền vỏ sắt chủ yếu là các tàu có trọng tải lớn nên mặt bằng cũ không đáp ứng được nữa. Trên mặt bằng của Xí nghiệp chỉ có 2 con tàu, trong đó, có một đơn hàng đóng mới tàu vỏ sắt du lịch đang đi vào giai đoạn hoàn thiện; một là đơn hàng sửa chữa tàu thế mà đã không đáp ứng được. Công ty muốn mở rộng mặt bằng thì thuê mặt bằng của doanh nghiệp khác để đóng tàu tại đó. Tuy nhiên, về lâu dài đây không phải là một giải pháp tốt đó là chưa kể đến việc công nghiệp sửa chữa đóng tàu sắt cần đầu tư lớn, song lợi nhuận lại không cao. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Doanh nghiệp buộc phải tự xoay xở với vốn tự có, nếu vay vốn ngân hàng doanh nghiệp khó có thể trụ được trong giai đoạn này”.
Để nghề đóng tàu truyền thống ở Hà An không bị suy tàn, nỗ lực vượt khó, có những bứt phá thì thiết nghĩ mọi sự hỗ trợ đều rất cần thiết.
Cao Quỳnh