Dịch bệnh tu hài xảy ra vào đầu năm 2012 đã làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vân Đồn mất trắng, nhiều hộ dân còn gánh nặng nợ nần vì vay tiền đầu tư. Xã Thắng Lợi cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đó, xã có 127 hộ dân đầu tư nuôi tu hài thì 100% đều lâm vào tình trạng khốn đốn. Sau khi dịch bệnh xảy ra, mặc dù chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn cho các hộ dân chuyển sang nuôi các loại khác nhưng số hộ chuyển đổi không nhiều lại manh mún.
![]() |
Lồng bè nuôi thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, xã Thắng Lợi (Vân Đồn). |
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Khoa là một trong những hộ dân nuôi thuỷ sản bằng lồng bè lớn nhất tại xã Thắng Lợi. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh của tu hài nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, anh Khoa cho biết: “Tôi nuôi lồng bè cách đây đã ngót chục năm rồi, chủ yếu là nuôi cá song, cá giò, cái khó khăn mà bà con nơi đây gặp phải chính là vốn đầu tư bởi một ô nuôi cá lồng hiện nay bao gồm khung gỗ, lưới cũng mất khoảng 16 triệu đồng. Mặt khác vấn đề con giống cũng gặp nhiều khó khăn, cơ sở cung cấp con giống không có, nên khi mua thường rất đắt. Ngoài ra, cái khó khăn nữa là đầu ra của sản phẩm không ổn định, thường bị tiểu thương ép giá”. Hiện tại nhà anh Nguyễn Văn Khoa nuôi 45 ô lồng, mỗi ngày chi phí cho thức ăn khoảng 3,5 triệu đồng, anh cho biết thêm: “Tôi vẫn còn vay ngân hàng chưa trả hết, mà không thể bỏ biển được vì nó là máu thịt với tôi rồi. Những người làm nghề nuôi biển chúng tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay lâu hơn nữa với số lượng nhiều để đầu tư và hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm.
Xã Thắng Lợi có khoảng 40% số hộ làm nghề khai thác thuỷ sản nhưng hầu hết là khai thác gần bờ, còn khai thác xa bờ thì rất ít. Ông Nguyễn Văn Hoa ở thôn 2, xã Thắng Lợi, cho biết: “Tôi sinh ra lớn lên ở đây, từ khi 15 tuổi đã cùng gia đình ra khơi đánh cá. Ngày trước thỉnh thoảng mới đi xa thôi vì chỉ cần đi tầm hơn 10km là đánh bắt được rồi, còn bây giờ thì khác, phương tiện đánh bắt nhiều, có nhiều kiểu đánh bắt làm cho nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực gần bờ rất ít, nếu đi gần còn có khi lỗ vốn không đủ chi phí xăng, dầu”.
Ông Khoa cho biết thêm ông thường tới các ngư trường như Bạch Long Vĩ, Bà Lạt để đánh bắt vì ở đây có nhiều loài cá có giá thành cao như: Cá ngừ, song, hồng…. Tuy nhiên, ông Khoa trăn trở, hiện tại tàu của nhà công suất nhỏ, vỏ kém nên mong muốn có một con tàu công suất khoảng 110CV nhưng cái khó khăn là nguồn vốn để đóng tàu không có, cũng muốn Nhà nước và các cấp hỗ trợ để đóng thêm tàu mới để bám biển vươn khơi.
Có thể thấy để phát huy được lợi thế của xã đảo nhất là lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản và đưa nó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bà con nhân dân xã Thắng Lợi rất cần cấp trên hỗ trợ nguồn vốn vay để người dân yên tâm bám biển.
Dương Trường