Thứ ba, 29/04/2025, 20:26 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Để quản lý tốt các hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan

Quảng Ninh có 3 huyện, thành phố có biên giới với Trung Quốc; có cửa khẩu quốc tế Móng Cái; hệ thống cảng biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu... Đây là những lợi thế, tạo nền tảng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ và hoạt động biên mậu. Trong đó có hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu (CK), kho ngoại quan (KNQ), vận tải hàng hoá (VTHH) qua địa bàn, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu của tỉnh, cải thiện một phần hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội trên địa bàn...

Xác định rõ vai trò quan trọng của hoạt động kinh doanh TNTX, CK, KNQ, VTHH là một trong những thế mạnh của tỉnh cần phải khai thác, phát huy; đồng thời để quản lý tốt các loại hình hoạt động này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, tính toán kỹ giữa lợi ích kinh tế - xã hội của Nhà nước và các doanh nghiệp tham gia hoạt động các loại hình này, để có biện pháp quản lý phù hợp, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng ngành, địa phương liên quan, phối hợp quản lý tốt các hoạt động TNTX, CK, KNQ, VTHH.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại biên giới nói chung, hoạt động kinh doanh TNTX, CK, KNQ, VTHH nói riêng, nên nhiều năm qua, các loại hình này hoạt động đảm bảo hiệu quả; nằm trong tầm kiểm soát, quản lý của tỉnh và các lực lượng chức năng ở địa phương. Từ năm 2011 trở về trước, chỉ tính riêng tiền nộp phí sử dụng bến bãi, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp đã đóng góp cho tỉnh trên 40 tỷ đồng. Từ năm 2012, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 305/2012 về điều chỉnh mức thu phí sử dụng bến bãi đối với hàng TNTX, CK, KNQ, kinh doanh VTHH, thì số tiền thu được đã tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2012 tại TP Móng Cái thu được 200.869 triệu đồng, Bình Liêu thu 20.626 triệu đồng, Hải Hà thu 16.000 triệu đồng. 5 tháng đầu năm nay, tại TP Móng Cái thu 80.533 triệu đồng, Bình Liêu thu 11.441 triệu đồng, Hải Hà thu 9.821 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua các hoạt động này, tại các cảng, cửa khẩu trên địa bàn, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm và thu nhập cho gần 20.000 lao động ở địa phương.

Có được kết quả này, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh trong việc tăng cường công tác quản lý, dành nguồn lực lớn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động TNTX, CK, KNQ trên địa bàn; là sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội, sở, ngành, địa phương trong việc phát triển các loại hình này. 

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại biên giới, góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo VSATTP... từ nước ngoài vào địa phương và ngược lại, UBND tỉnh vừa có tờ trình HĐND tỉnh quy định tỷ lệ tiền thu phí sử dụng bến bãi đối với hàng TNTX, CK, KNQ, hàng quá cảnh trích để lại cho đơn vị thu phí chi cho công tác thu phí. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị quy định tỷ lệ tiền trích để lại cho đơn vị thu phí chi cho công tác thu: BQL cửa quốc tế Móng Cái 2%, BQL cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà) 10% và BQL cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) 10%.

Nếu quy định này được HĐND tỉnh thông qua, không những sẽ tạo thuận lợi cho các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, còn tạo góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như nâng cao trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định, pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.    

Tuấn Hương