Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh đã quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ về đất xây dựng khu dân cư, tái định cư; hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng trạm xử lý nước thải; hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại và đầu tư. Đối tượng thụ hưởng là các chủ đầu tư KCN và các dự án thứ cấp đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Sản xuất tại Nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên - TP Móng Cái). Ảnh: Bá Khang |
Qua gần 2 năm triển khai, Nghị quyết bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển các KCN của tỉnh. Từ khi chính sách có hiệu lực, các KCN đã thu hút được 8 dự án đầu tư mới, 4 dự án điều chỉnh tăng vốn; tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm 379,612 triệu USD và 812,959 tỷ VND; ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho nhà đầu tư hạ tầng KCN Hải Yên gần 13,45 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, về tổng thể, chính sách đã ban hành còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư; đối tượng áp dụng của chính sách giới hạn trong phạm vi các KCN, chưa xét đến các KKT (bao gồm cả KKT cửa khẩu) trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết đã ban hành, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chỉ áp dụng cho người lao động có hộ khẩu tại Quảng Ninh. Thực tế hiện nay, nguồn lao động trong tỉnh hạn chế, cơ cấu lao động không phù hợp; việc tuyển dụng lao động tại một số dự án đầu tư trong các KCN của tỉnh thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chỉ áp dụng cho lao động trong tỉnh. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo sức hút đối với lao động ngoài tỉnh, đồng thời giảm bớt áp lực về đào tạo, tuyển dụng lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn, sử dụng nhiều lao động tại các KCN của tỉnh. Điển hình như Dự án Nhà máy sợi của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên, tuyển là 2.400 lao động, trong đó 1.300 lao động ngoài tỉnh, còn lại là lao động trong tỉnh.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề chưa có sự phân biệt rõ ràng về mức hỗ trợ áp dụng cho khoá đào tạo thời gian 3 tháng với khoá đào tạo thời gian trên 3 tháng đến dưới 1 năm. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh để khuyến khích, hỗ trợ cho những dự án yêu cầu thời gian đào tạo ban đầu cho người lao động trên 3 tháng. Đối tượng áp dụng theo Nghị quyết 19 là các KCN và các dự án thứ cấp đầu tư tại các KCN. Tuy nhiên hiện nay, không chỉ các KCN mà các KKT, KKT cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều được xác định là những địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư, nhưng thực trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại các địa bàn này còn yếu kém. Nguyên nhân là do các KCN, KKT chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nguồn lực từ ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng các KKT, KCN còn hạn chế, vì chưa được ưu tiên dành nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh. Các KKT và đặc biệt là các KCN trên địa bàn tỉnh rất khó cạnh tranh với các địa phương lân cận trong việc thu hút các dự án đầu tư.
Do vậy, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 19, như: Bổ sung đối tượng được hỗ trợ; điều chỉnh mức hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn hoặc dài hạn cho các lao động trong và ngoài tỉnh làm việc trong các KCN; bổ sung danh mục các dự án được ưu tiên đầu tư trong KKT, trong và ngoài hàng rào KCN...
Việc ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại các KCN, KKT trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết nhằm từng bước cụ thể hoá mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII “đến năm 2015 Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Lê Hải