Theo các chuyên gia, hạn chế của KKT Vân Đồn thể hiện trên nhiều phương diện. Cụ thể, thể chế (ở tầm nghị định) chưa đủ mạnh, chưa ổn định, còn vướng mắc khi triển khai. Cơ chế, chính sách chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế; còn dàn đều bình quân nên thiếu động lực, không có đầu tàu lôi kéo; chưa khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Việc cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư và công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Đầu tư kết cấu hạ tầng ở KKT này còn manh mún, thiếu những công trình động lực. KKT Vân Đồn rất thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý là bộ máy quản lý nhà nước ở đây còn chồng chéo, có hai bộ máy quản lý song trùng là chính quyền hành chính và Ban Quản lý KKT trên cùng một địa giới hành chính.
![]() |
Vân Đồn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đảo nhưng chưa được khai thác mạnh. |
Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là: Các cơ quan chức năng ở tỉnh chưa chủ động, sáng tạo trong đề xuất chính sách thu hút đầu tư mà còn trông chờ vào nguồn lực Nhà nước là chủ yếu. Công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chưa mang tầm chiến lược; chính sách trọng dụng nhân tài và mức đãi ngộ còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa tốt. Cùng với đó là việc các cơ quan ở Trung ương chậm ban hành mới các văn bản pháp luật phù hợp; chính sách ưu đãi vẫn bị khống chế ở các luật chuyên ngành; việc hình thành cơ chế, chính sách đặc thù gặp khó khăn. Mặt khác, chính sách được áp dụng trong các KKT chưa có tính cạnh tranh ở cấp khu vực, quốc tế và thiếu nhất quán; còn tư tưởng bình quân chủ nghĩa, nên thiếu động lực, không có đầu tàu lôi kéo.
Để Vân Đồn phát triển nhanh, bền vững, có thể trở thành mô hình phát triển mới, là đầu tàu lôi kéo các địa phương khác, thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tích cực nghiên cứu, hình thành Đề án thí điểm xây dựng Vân Đồn thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu).
Theo đó, 5 quan điểm xây dựng Vân Đồn là: Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để xây dựng đặc khu Vân Đồn thành một khu kinh tế tổng hợp, hiện đại, với trọng tâm là phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp (vui chơi giải trí, tài chính ngân hàng, KHCN, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng) và kinh tế biển. Xây dựng đặc khu Vân Đồn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thí điểm xây dựng đặc khu Vân Đồn đột phá về thể chế, cải cách hành chính và cơ chế chính sách. Đảm bảo có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước về tài chính và cán bộ cho xây dựng đặc khu Vân Đồn. Phát triển đặc khu Vân Đồn là động lực phát triển Quảng Ninh và cả vùng Bắc Bộ với độ mở cao và là mô hình cho cả nước.
Từ 5 quan điểm đó, mục tiêu mà Đề án xác định là: Xây dựng thành công mô hình mới về tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, ít đầu mối, hoạt động hiệu quả; đưa Vân Đồn trở thành thành phố biển tiêu biểu - KKT tổng hợp, trung tâm du lịch biển, đảo sinh thái - nghỉ dưỡng chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ và cửa ngõ giao thương quốc tế; động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Để đạt được mục tiêu này, Đề án đã đưa ra các phương án và chỉ tiêu phát triển cụ thể; đề xuất mô hình phát triển đặc khu cả về hệ thống chính trị và bộ máy tổ chức, cả về nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; các giải pháp phát triển đặc khu, lộ trình thực hiện, tính khả thi và sức lan toả của mô hình, dự báo những khó khăn, thách thức và hướng giải quyết…
Đây là đề án được nghiên cứu rất kỹ, xây dựng rất công phu với đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng và các chuyên gia. Đề án mới đây đã được Ban cán sự đảng Chính phủ nghe, đánh giá rất cao và cho ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Bộ Chính trị. Nếu Đề án được triển khai thực hiện hứa hẹn sẽ có sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho huyện đảo Vân Đồn.
Đỗ Ngọc Hà