Di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò nằm bên cạnh núi Kinh Lợi, cách đất liền khoảng 4 cây số, được phát hiện lần đầu vào năm 1998. Căn cứ vào kết quả điều tra điền dã bề mặt di tích và nghiên cứu hiện vật được phát hiện, các nhà khoa học đã đi đến nhận định sơ bộ: Cách đây khoảng từ 5.000 đến 6.000 năm, thuộc giai đoạn Trung kỳ đồ đá mới, đã có một số cư dân cổ sống tại khu vực núi Hứa ở gần đó. Nhóm người này đồng đại với những cư dân cư trú tại hang Soi Nhụ, hang Nhà Trò (Vân Đồn) và hang Tiên Ông (Hạ Long). Sau đó, vào giai đoạn sớm của Hậu kỳ đồ đá mới, cư dân núi Hứa đã mở rộng không gian sinh sống sang vùng Hòn Ngò. Quá trình sinh sống của họ đã để lại các dấu tích khảo cổ như công cụ, đá nguyên liệu, gốm sứ v.v.. còn khá dày đặc trên bề mặt của di tích Hòn Ngò. Sau đó, do nước biển dâng cao nên cư dân Hòn Ngò phải dịch chuyển đến vị trí khác để sinh sống. Nước biển đã làm ngập toàn bộ khu cư trú của người Việt cổ, làm cho các di vật bị chìm dưới lớp bùn biển, tạo ra hiện trạng di tích như ngày nay.
![]() |
Một số hiện vật phát hiện tại di tích, di chỉ Hòn Ngò đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. |
Qua đợt nghiên cứu điền dã của Bảo tàng Quảng Ninh và các đợt khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam, người ta đã xác định: Di chỉ Hòn Ngò xuất hiện từ nền Văn hoá Hạ Long sớm. Các hiện vật khai quật hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh bao gồm trên 60 hiện vật, chủ yếu là chất liệu gốm, đá. Người ta xếp di chỉ Hòn Ngò vào loại hình di tích lịch sử khảo cổ. Đánh giá về di tích Hòn Ngò, ông Trần Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho rằng: “Di tích này là một trường hợp cực kỳ hiếm của người Việt thời tiền sử đã để lại. Đây cũng là một di tích hết sức độc đáo ở Quảng Ninh”. Theo ông Trần Trọng Hà, di tích này có giá trị nổi bật nhất là về không gian văn hoá. Những hiện vật rất đẹp đã tìm được tại đây cho thấy, cư dân Hòn Ngò đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chế tác đá…
Hiện nay, còn nhiều di vật ở Hòn Ngò đang bị vùi lấp sâu dưới lòng biển; nhiều giá trị chưa được phát lộ, cần tiếp tục được nghiên cứu. Do vậy, để bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích Hòn Ngò, tránh sự xâm hại của thiên nhiên và con người, cần lập dự án bảo tồn, quy hoạch tổng thể khu di tích và sớm lập hồ sơ bảo vệ đưa vào danh mục cấp tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, cũng cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo phục hồi địa điểm di tích nhằm phục vụ du lịch ngay nơi phát hiện các hiện vật. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Kiều Quốc Huy, Bí thư Huyện uỷ Tiên Yên, cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Sở VH-TT&DL xem xét trình Hội đồng thẩm định bổ sung di tích vào danh mục kiểm kê, phân loại của tỉnh năm 2013. Khi bảo tàng huyện Tiên Yên được xây dựng, chúng tôi mong muốn sẽ đưa các hiện vật vào trưng bày. Cùng với đó, cũng mong các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành công việc khảo cổ, phân loại và có những cuộc hội thảo đánh giá giá trị di tích một cách đầy đủ hơn…”.
Huỳnh Đăng