Ông Bảy mắc bệnh xuất huyết tiêu hoá, lần đầu đi cấp cứu vào cuối tháng 12-2012, ông đã phải truyền 16 đơn vị máu (tương đương 4 lít máu). Từ đó đến nay, ông đã 8 lần phải vào điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lần ít, ông cũng phải truyền 3 đơn vị máu, lần nhiều là 7, 8 đơn vị. Có lần Bệnh viện không đủ máu, ngoài huy động người nhà, Bệnh viện phải cử người sang Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy để xin tiếp ứng. “Nếu không được tiếp máu kịp thời, có lẽ tôi đã không còn trên cõi đời này…” - ông Bảy tâm sự.
![]() |
Khám sàng lọc cho tình nguyện viên hiến máu tại chiến dịch “Những giọt máu hồng hè 2012”. |
Cũng thường xuyên vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp máu định kỳ là hai anh em Triệu Kim Nguyên (24 tuổi) và Triệu Thị Hằng (14 tuổi) ở thôn Khe Cát, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ. Cả hai đều mắc bệnh huyết tán bẩm sinh - một căn bệnh nguy hiểm, khó chữa. Người mắc bệnh huyết tán, khi hồng cầu trong máu sinh ra sẽ tự vỡ, tự tiêu huỷ gây thiếu máu, vàng da. Nếu không điều trị sớm sẽ sinh ra những biến chứng như ứ đọng sắt khiến gan, lá lách to dần, xương khớp đau nhức, dễ gãy, có thể dẫn đến tử vong. Cách chữa bệnh duy nhất là hàng tháng phải tiếp máu cho người bệnh và hàng ngày phải uống hoặc tiêm thuốc thải sắt. Đều đặn cứ 2 đến 3 tháng một lần, cả 2 anh em Nguyên, Hằng đều phải đến bệnh viện để tiếp máu theo chỉ định của bác sĩ.
Ông Bảy, em Nguyên, em Hằng nằm trong số hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn, thương tích phải nhập viện và cần tiếp máu. Để có được nguồn máu dự trữ, sẵn sàng cứu chữa người bệnh hoặc ứng phó với tình trạng thiên tai, thảm hoạ xảy ra, hàng năm, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức nhiều chiến dịch, đợt ra quân vận động hiến máu. Điển hình như: Lễ hội xuân hồng; Những giọt máu hồng hè; Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ 8-5; Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4; Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện 14-6 v.v.. Lượng máu tiếp nhận được năm sau cao hơn năm trước. Như: Năm 2009 tiếp nhận được 3.500 đơn vị máu; năm 2010 là 4.100; năm 2011 là 4.130; năm 2012 là 5.356; 6 tháng đầu năm 2013 đã tổ chức 22 đợt ra quân, thu được 2.768 đơn vị máu. Đến nay, đã có 14/14 địa phương lập được danh sách và ra mắt đội ngũ tình nguyện viên hiến máu dự bị, ngân hàng máu sống hay câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Từ năm 2009 trở lại đây, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh có sức lan toả rộng khắp, đi vào nền nếp và được nhiều người ở mọi tầng lớp, trên nhiều địa bàn dân cư nhiệt tình hưởng ứng.
Tuy phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển sâu rộng nhưng lượng máu thu được vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của mỗi địa phương và chưa đáp ứng được nhu cầu máu của các bệnh viện trên địa bàn. Bác sĩ Lương Tố Quyên (Khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Hiện, nguồn máu tại Bệnh viện được cung cấp bởi ba nguồn chính: Người tình nguyện hiến và người nhà bệnh nhân; những người hiến máu chuyên nghiệp; mua từ các trung tâm, bệnh viện tuyến trên. Trong số này, lượng cung cấp nhiều nhất và chủ yếu vẫn là từ những người hiến máu tình nguyện. Mỗi tháng, chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cần xấp xỉ 400 đơn vị máu, mỗi năm cần khoảng 5.000 đơn vị máu. Nếu không có những người hiến máu tình nguyện thì không chỉ Bệnh viện tỉnh mà các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới sẽ thiếu máu trầm trọng. Mấy năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh đã có bước phát triển nhưng kết quả vận động, tiếp nhận được hàng năm vẫn cách xa nhu cầu sử dụng máu cấp cứu và điều trị của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh”.
Như vậy, nhu cầu máu của riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gần bằng số máu tiếp nhận được hàng năm của cả tỉnh. Còn những bệnh viện lớn khác như Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa khu vực Bãi Cháy, các bệnh viện khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh cũng cần lượng máu khá lớn để sẵn sàng cứu chữa người bệnh. Điểm đến của những giọt máu tình nguyện chính là những con người, những cuộc đời khát khao được sống, được tồn tại. Để “mỗi cuộc đời ở lại, vẫn cần lắm những tấm lòng biết cho đi...”.
Hoàng Quý