Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, chiều 31-5, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Khánh Hoà về hai dự án luật: Luật tiếp công dân, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm. Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Tham gia vào dự thảo Luật tiếp công dân, nhiều đại biểu băn khoăn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cho phù hợp hơn theo hướng thu hẹp đối tượng tiếp công dân, mở rộng nội hàm tiếp công dân (kể cả việc người dân tham gia ý kiến, hiến kế... để xây dựng đất nước); quy định thêm trách nhiệm xử lý, hướng dẫn, giải thích, giải quyết của các cơ quan nhà nước đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận những nội dung liên quan đến tên gọi của Luật; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân; quy định về trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; mối quan hệ giữa trụ sở tiếp dân ở trung ương và ở địa phương; thành viên của tổ chức tiếp công dân, tiêu chuẩn của người tiếp công dân; chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân...
Thảo luận dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV), các đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình cao với tên gọi của Luật; nhất trí với quy định bố trí cán bộ phụ trách ở cấp xã (không nên bố trí cán bộ chuyên trách) trong công tác BV&KDTV,... Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu nhấn mạnh hơn quyền hạn, vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp trong việc phòng, chống dịch bệnh; quy định cụ thể hơn nội dung: “kinh phí nhà nước hỗ trợ” tại mục b, khoản 1, Điều 21; bổ sung “thuốc vô chủ, thuốc không rõ nguồn gốc” vào trường hợp phải thu hồi, tiêu huỷ; làm rõ việc phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền về BV&KDTV; bổ sung quy định về việc thu hồi, tiêu huỷ thuốc BVTV, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; có qui định hợp lý hơn về địa điểm, chi phí thu gom, tiêu huỷ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để huy động được nguồn lực xã hội... Các đại biểu cũng đề nghị cần kế thừa thực tiễn 12 năm thi hành Pháp lệnh BV&KDTV để quy định cụ thể hơn các điều, khoản, giúp cho Luật sớm đi vào cuộc sống.
Nguyễn Thị Ngân (CTV)