Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 777 triệu USD, đạt 39,7% kế hoạch năm và bằng 82,1% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu trên cả lĩnh vực trung ương, địa phương và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều giảm. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 1,320 tỷ USD, đạt 39,2% kế hoạch năm và bằng 91,1% so với cùng kỳ. Về hoạt động tạm nhập tái xuất, cửa khẩu, trị giá hàng qua kho ngoại quan đạt 1,705 tỷ USD, bằng 97,1% so với cùng kỳ. Cũng theo đánh giá của Sở Công thương sở dĩ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, hoạt động tạm nhập tái xuất, cửa khẩu, kho ngoại quan trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng qua giảm, ngoài những yếu tố tác động của sự suy giảm kinh tế thế giới, trong nước, những thay đổi về chính sách quản lý biên mậu của phía Trung Quốc còn do những điều chưa hợp lý được quy định tại Chỉ thị số 23 của Chính phủ và Thông tư 05 của Bộ Tài chính. Trong khi những điều bất hợp lý này chưa được hoá giải thì một số quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được áp dụng từ ngày 1-7 lại tiếp tục dồn thêm những khó khăn mới cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực này.
![]() |
Cán bộ hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà) kiểm tra hàng hoá tạm nhập. |
Luật đã ban hành, việc sửa đổi không thể một sớm, một chiều, vì vậy điều doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn việc thực hiện, vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Sơn Hà, Trưởng phòng XNK VOSA Quảng Ninh cho biết: “Hiện nay, kho ngoại quan của Công ty được đầu tư mở rộng là 10.200m2 tại cửa khẩu Móng Cái và 1.964m2 tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long). Nhưng tại khoản 2 mục I, công văn 8356/BTC-TCHQ ngày 28-6-2013 của Bộ Tài chính quy định “Hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) bao gồm cả trường hợp gửi kho ngoại quan để TNTX phải tạm nộp các loại thuế liên quan vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan tại Kho bạc Nhà nước. Khi tái xuất sẽ được hoàn trả”. Ví dụ, với 1 container hàng là thuốc lá nhập để tiêu thụ nội địa, Công ty sẽ phải tạm nộp thuế khoảng 10 tỷ đồng, càng nhiều container hàng số tiền tạm nộp thuế càng cao. Như vậy, quy định trên sẽ khiến cho loại hình này của Công ty không thể kinh doanh được nữa vì việc tạm nộp thuế cho toàn bộ hàng hoá lưu kho ngoại quan sẽ gấp hàng trăm lần tài sản của doanh nghiệp”. Được biết hiện nay VOSA Quảng Ninh là một trong những doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu cả nước, đạt trên 500 triệu USD/năm. Thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá của VOSA Quảng Ninh trải rộng trên thế giới như Trung Quốc, Ma Cao, Singapore, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ...
Cùng chung nỗi lo như VOSA Quảng Ninh, đại diện Công ty CP Cung ứng tàu biển Quảng Ninh cho biết: “Sau khi có công văn 8356 của Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan đã dừng làm thủ tục đối với các hàng hoá gửi kho ngoại quan của doanh nghiệp. Trong khi tờ khai hàng nhập, xuất kho ngoại quan không có mục tính thuế. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm dịch vụ cho thuê kho, không phải người mua nên không thể đóng các khoản này dù là tạm đóng trong thời gian ngắn để sau đó được hoàn thuế”.
Liên quan đến quy định về thời hạn nộp thuế, ân hạn thuế, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sao Bắc (Hạ Long) cho biết thêm: “Ngay từ ngày 1-7 khi Luật có hiệu lực thi hành, Công ty đã phải thông báo cho các bạn hàng tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất. Vì với 1 container hàng thịt bò đông lạnh doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế trước tới 600 triệu đồng. Như vậy với 10-20 container hàng thì số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, đây quả là gánh nặng tài chính quá sức đối với doanh nghiệp trong thời điểm này. Bởi theo Luật quản lý thuế, trừ hàng gia công, hàng phục vụ xuất khẩu nằm trong luồng xanh, các mặt hàng nhập về để được thông quan đều phải nộp thuế trước hoặc phải có bảo lãnh thuế của ngân hàng. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp muốn được ngân hàng bảo lãnh, ngoài các điều kiện đặt cọc tiền còn phải có các điều kiện về tài sản thế chấp, nộp phí bảo lãnh cho ngân hàng. Thủ tục bảo lãnh ngân hàng cũng giống như thủ tục vay vốn, cũng cần phải có tài sản thế chấp, tuy lãi suất tiền vay không cao lắm nhưng để đáp ứng các điều kiện ràng buộc, doanh nghiệp cũng phải mất thêm một khoản chi phí phát sinh và tất nhiên, lại thêm những rắc rối. Quy định này sẽ làm khó cho không ít doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu - đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng, vì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đủ điều kiện để được ngân hàng bảo lãnh và các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi đã cắt giảm 50% lương công nhân vì doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm đến 80% so với 2 năm trước”.
Những năm qua, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, cửa khẩu, kho ngoại quan... đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội. Nguồn thu từ các hoạt động này cho ngân sách Nhà nước là rất đáng kể, thông qua các khoản thu thuế, phí, lệ phí… Luật đã ban hành, việc sửa đổi không thể một sớm, một chiều, vì vậy điều doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn việc thực hiện, vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Lan Hương - Hoàng Nga