Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của toàn tỉnh tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn đạt 777 triệu USD, đạt 39,7% kế hoạch và giảm 17,9% cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu giảm là những mặt hàng có giá trị cao và chiếm tỷ trọng lớn như: Than, hải sản, gạch, ngói... Sự sụt giảm của các mặt hàng xuất khẩu cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Cường, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Móng Cái cho biết: Trên địa bàn TP Móng Cái hiện có tới hơn 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan. Thời gian qua do những tác động từ tình hình khó khăn chung của nền kinh tế cộng với các quy định tại Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 05 của Bộ Công thương về việc tạm dừng kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất các mặt hàng chủ lực như phụ phẩm gia súc, gia cầm, phế liệu, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng đã gây khó khăn rất lớn cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Trong những tháng đầu năm, trên địa bàn TP Móng Cái đã có nhiều người mất việc làm, lượt giao thương trên địa bàn thành phố giảm tới hơn 50%. Nếu như năm 2011 toàn thành phố có 600 doanh nghiệp hoạt động thì đến nay chỉ còn tồn tại 112 doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất mong muốn Nhà nước nên xem xét sửa đổi các chính sách vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động”.
![]() |
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Quảng Ninh. |
Cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thượng Uyển, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản điêu đứng như hiện nay đó là thiếu nguyên liệu. Trong khi sản xuất từ các vùng nuôi trong tỉnh chưa đáp ứng được về sản lượng, thì doanh nghiệp lại phải đối mặt với những cạnh tranh rất gay gắt trong thu mua nguyên liệu trên ngư trường với các thương lái Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, Công ty luôn trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, vì không có đủ nguyên liệu tại chỗ buộc Công ty phải tăng cường nhập khẩu 20-30% sản lượng từ các nước khác. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng nhập khẩu được, hơn nữa mức giá nhập lại cao hơn với giá trong nước nên không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đủ tiềm lực tài chính để thu mua nguyên liệu dự trữ.
Lý giải về những nguyên nhân chính khiến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thuỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh những yếu tố về vốn, thị trường những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp còn xuất phát từ những rào cản kỹ thuật từ một số thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Bởi do khủng hoảng kinh tế thế giới nên xảy ra nhiều vụ kiện chống bán phá giá và nhiều quốc gia áp dụng nhiều rào chắn kỹ thuật nhằm bảo hộ cho hàng hoá sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi các nguy cơ này. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn đang phải chịu những gánh nặng về việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và các khoản thuế, phí xuất khẩu như: Phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu, thuế môi trường đối với bao bì PE, PAl; phí thực hiện thủ tục đăng ký kiểm dịch hàng thuỷ sản trước khi nhập khẩu... Thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu cũng đang làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tự chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường, thực hiện tốt giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất hàng xuất khẩu, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng chính chất lượng của sản phẩm...
Cao Quỳnh