Thứ tư, 30/04/2025, 0:39 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Đông Triều: Xây dựng các vùng sản xuất tập trung

Nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông sản của địa phương tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Đông Triều đã tích cực cùng với các cơ quan chức năng tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản tại địa phương. Huyện đã tiến hành thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh (SXKD) gạo nếp cái hoa vàng, Hội SXKD na dai. Việc thành lập hai hội trên là một trong những bước quan trọng trong quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm na dai và nếp cái Đông Triều. Qua đó, Hội đứng ra thu mua, tiêu thụ, đồng thời thông tin, tuyên truyền áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất; tăng cường liên hệ với các cơ quan chuyên môn; thu hút các nguồn lực đầu tư... Vừa qua, huyện đã tiến hành chọn lọc và đưa vào gieo cấy tập trung 5ha giống nếp cái hoa vàng bản địa tại xã Yên Đức và tiến hành phục tráng giống nếp cái hoa vàng trên diện tích 5ha do Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đảm nhận. Đến nay, toàn huyện đã hình thành được những vùng sản xuất nếp cái hoa vàng ở Yên Đức, Hoàng Quế; vùng trồng na dai ở Việt Dân, An Sinh, Tân Việt gần 900ha.

Khu vực chăn nuôi lợn thịt của một gia đình ở xã Hưng Đạo (Đông Triều).
Khu vực chăn nuôi lợn thịt của một gia đình ở xã Hưng Đạo (Đông Triều).

Ưu tiên nguồn lực cho phát triển các sản phẩm chủ đạo là định hướng lớn mà Đông Triều đã xác định cho những năm tiếp theo. Để tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung và hình thành thêm nhiều cánh đồng cho thu nhập cao, huyện đã nghiên cứu đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất thay thế dần các giống cũ. Huyện đang tập trung sản xuất các giống lúa năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, tăng diện tích lúa đặc sản nhằm giữ sản lượng lương thực như: QR1, thơm RVT, DH11, TBR255, TBR277... Đồng thời tăng cường vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa và thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống giao thông nội đồng để tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hoá hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ giống, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân, huyện cũng tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng nhằm cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện đã chủ động kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học. Thêm vào đó, huyện cũng tích cực đẩy mạnh cơ giới hoá trong nông nghiệp. Hiện nay công tác làm đất, gieo trồng đã được bà con cơ giới hoá khoảng trên 95% diện tích, thu hoạch bằng cơ giới hoá khoảng 50% đã góp phần giải phóng sức lao động. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã gieo trồng được 6.206ha, trong đó diện tích lúa là 4.359ha, diện tích cây màu là 1.151ha; năng suất đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng lương thực là 28.8449 tấn.

Có thể khẳng định hiện nay huyện Đông Triều là địa phương có lợi thế về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỉ tính riêng đàn lợn, đàn gà, đến nay toàn huyện đã có hàng trăm trang trại, gia trại tham gia chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Đây đều là những trang, gia trại có số lượng vật nuôi lớn, với hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gà, vịt, ngan; đạt doanh thu mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Tính đến nay, toàn huyện đã có 3.233 con trâu, 1.502 con bò, 81.980 con lợn, 592.481 con gia cầm. Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện đang tiến hành lập quy hoạch triển khai thí điểm xây dựng 2 vùng chăn nuôi lớn tại xã Bình Khê và Nguyễn Huệ. Đến thời điểm này một số nội dung căn bản đã được hoàn thành. Theo quy hoạch, các vùng chăn nuôi tập trung xa dân cư của Đông Triều có diện tích từ 8 đến 10ha, nằm cách xa khu dân cư ít nhất 500m. Tại đây huyện sẽ đầu tư đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước, công trình xử lý nước thải… để tạo cơ sở cho các hộ kinh doanh đầu tư chăn nuôi. Mỗi vùng chăn nuôi tập trung có thể đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của 30 đến 50 hộ dân, tuỳ vào số lượng nuôi của mỗi hộ. Việc chăn nuôi được thực hiện theo hình thức chuyên canh và an toàn sinh học, qua đó giảm thiểu tối đa dịch bệnh, nâng cao năng suất. Được biết, sau xã Bình Khê và Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều sẽ nhân rộng mô hình vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư trên địa bàn. Đây sẽ là một hướng đi mới hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho ngành chăn nuôi Đông Triều. Cùng với đó, Đông Triều đang tiếp tục tập trung hỗ trợ cho một số dự án phát triển sản xuất khác như: Trồng củ đậu, trồng cam Đường Canh, nuôi cá chim, cá điêu hồng, nuôi chim bồ câu Pháp...

Tin rằng với định hướng phát triển sản xuất cùng các chính sách hỗ trợ, sự quan tâm của các cấp, các ngành, các vùng sản xuất tập trung của Đông Triều sẽ được mở rộng và mang lại nhiều hiệu quả.

Cao Quỳnh