Thứ tư, 30/04/2025, 12:42 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Đủ thứ rau, củ, quả... Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Nhưng cũng hàng đó khi đến các chợ lẻ, lập tức nó trở thành... hàng Việt!



Không chỉ khoai tây Trung Quốc đột lốt khoai Đà Lạt, các mặt hàng như bắp cải, bông cải, gừng, tỏi, cà rốt, hành tây... người tiêu dùng cũng đang tù mù thông tin xuất xứ. Dù nhập hàng từ Trung Quốc nhưng không ít người bán vẫn giới thiệu hàng Đà Lạt, Tiền Giang...

Tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, hàng nông sản Trung Quốc được nhập về ồ ạt. Tuy nhiên khi ra đến chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm hàng Trung Quốc lại vắng bóng. Nhiều tiểu thương bán lẻ một mực khẳng định với khách hàng các loại hành, tỏi, bắp cải, bông cải, quýt, nho... là hàng trong nước, hoặc nhập khẩu từ những nước khác chứ không phải hàng Trung Quốc.

Ùn ùn về chợ đầu mối

Chị Nguyễn Thanh, chủ một vựa gừng, hành, tỏi khô tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), cho biết hành trong nước hiện nay hầu hết chỉ có hành Vĩnh Châu (Sóc Trăng), tỏi, gừng lấy từ một số tỉnh miền Tây, miền Bắc và Đà Lạt. Tuy nhiên, số lượng này so với hàng Trung Quốc không đáng kể. Hành, tỏi, gừng trong nước chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng hàng, chưa kể còn phụ thuộc mùa vụ.

Gừng, hành, tỏi... có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối với số lượng lớn, thế nhưng khi ra chợ lẻ thì người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng Trung Quốc đâu là hàng Việt - Ảnh: TỰ TRUNG
Gừng, hành, tỏi... có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối với số lượng lớn, thế nhưng khi ra chợ lẻ thì người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng Trung Quốc đâu là hàng Việt - Ảnh: TỰ TRUNG

Tương tự, chủ vựa Hồng T., tại chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết mỗi đêm có tới cả chục tấn hành, gừng, tỏi, cà rốt... nhập từ Trung Quốc được chuyển ra chợ hoặc theo xe về tỉnh. “Hàng Trung Quốc là chính, nói ra làm gì, cứ thế mà bán thôi” - chủ vựa này nói ngắn gọn.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, các mặt hàng gừng, tỏi, cà chua, bắp cải, bông cải, cải thảo... nhập khẩu từ Trung Quốc kéo về chợ ùn ùn. Mỗi đêm có hàng chục xe container đông lạnh chở cà rốt, khoai tây, bông cải, bắp cải... nhập khẩu từ Trung Quốc tập kết về chợ, xe nào cũng đầy ắp hàng.

Theo ước tính, mỗi đêm có hàng trăm tấn rau củ các loại nhập khẩu từ Trung Quốc được đưa về chợ này, sau đó hàng được chuyển đi tiêu thụ ở các chợ lẻ.

Theo số liệu của ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), riêng trong đêm 18-6 chợ cho nhập 15 tấn táo Trung Quốc, lê Trung Quốc khoảng 5 tấn. Thông thường trung bình mỗi đêm lượng tỏi Trung Quốc về chợ 15-20 tấn, gừng 5-7 tấn.

Trước đây ước tính mỗi sạp nhập về từ 1-3 tấn nho/đêm để tiêu thụ. Hiện giá táo nhập được niêm yết ở mức 22.000 đồng/kg, lê 23.000 đồng/kg, gừng 20.000 đồng/kg...

Tại chợ Thủ Đức, rất nhiều sạp chuyên buôn hàng trái cây hoặc rau củ Trung Quốc. Đa số hàng được nhập về đóng trong các thùng giấy, thùng xốp hoặc đóng bao. Hàng được vận chuyển đến chợ bằng xe container lạnh với những sạp lớn, hoặc xe tải lạnh với sạp nhỏ.

Tại sạp, các tiểu thương chỉ xếp lên một lượng hàng nhất định. Khi có khách mua, người của sạp sẽ dẫn ra lấy thẳng hàng từ xe xuống.

Xóa nhãn Trung Quốc khi về chợ lẻ

Trong khi tại chợ đầu mối hàng nông sản nhập từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng áp đảo thì khi về chợ lẻ “vết tích” để công khai hàng có xuất xứ từ Trung Quốc gần như không có.

Chị Hoàng, thường xuyên mua các loại rau, củ, gừng, tỏi tại các chợ như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Tân Định (Q.1)... cho biết rất ít khi thấy tiểu thương ghi thông tin gừng, tỏi Trung Quốc. “Nhiều lần đi mua gừng thấy ngoài chợ có loại gừng củ rất to, vỏ vàng, đẹp. Hỏi gừng ở đâu, người bán luôn khẳng định gừng Tiền Giang. Mới đây tôi mới biết những loại gừng như thế là gừng Trung Quốc” - chị Hoàng bức xúc.

Ngay cả các loại bông cải, bắp cải, cải thảo, cà chua... nhiều bà nội trợ cho biết dù đi rất nhiều chợ và siêu thị cũng không mấy khi thấy người bán ghi thông tin xuất xứ hàng. Nếu hỏi, các tiểu thương cũng luôn khẳng định là hàng Đà Lạt, Tiền Giang...

Khảo sát thực tế tại các chợ cho thấy không chỉ các mặt hàng nông sản nói trên bị lập lờ xuất xứ mà còn nhiều mặt hàng khác đã bị người bán hàng thay tên đổi họ. Ông Trần Phương, một đầu mối thường xuyên đánh hàng nông sản Trung Quốc về TP.HCM, cho biết phải đến 90% quýt nhập khẩu về VN là quýt Trung Quốc. Tại chợ đầu mối, quýt đóng trong các thùng xốp, có dán một số thông tin bằng chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, các tiểu thương mang về chợ lẻ bán lại xóa hết dấu vết hàng Trung Quốc, sau đó họ khẳng định với người tiêu dùng là “quýt Thái”. Đến nay vẫn rất nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng trái quýt nhỏ, có vỏ màu vàng là quýt Thái.

Ngoài ra, theo ông Phương, hành tây Trung Quốc nhập khẩu về tràn ngập chợ đầu mối. Tuy nhiên khi ra chợ bán lẻ, người bán hàng hầu như không thừa nhận đó là hành tây Trung Quốc mà khẳng định là hành tây Đà Lạt. Chưa kể củ hành tím, bắp cải, bông cải, cải thảo là những mặt hàng thường xuyên được nhập về từ Trung Quốc nhưng tại các chợ bán lẻ rất ít tiểu thương khẳng định bán hàng Trung Quốc.

Trong khi đó, các siêu thị đều khẳng định hầu như không kinh doanh hàng nông sản Trung Quốc. Đại diện hệ thống Big C cho biết trước đây một số mặt hàng rau củ, trái cây có nguồn gốc Trung Quốc được đưa vào kinh doanh tại hệ thống. Tuy nhiên, hiện chỉ còn nấm Trung Quốc là mặt hàng thực phẩm tươi duy nhất còn kinh doanh ở mức hạn chế. Đại diện hệ thống Co.op Mart cũng cho biết hiện không kinh doanh mặt hàng rau củ, trái cây có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo Tuổi trẻ