Thứ 5, 01/05/2025, 8:47 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Facebook, lợi hay không lợi?

V.A là học sinh cấp 2 của một trường THCS ở TP Hạ Long. Ngoài thời gian học trên lớp thì ở nhà, khi chỉ có một mình trong phòng, vật bất li thân của cậu là chiếc laptop nối mạng hoặc chiếc iphone cũng phải có internet. Cậu tìm tài liệu cho việc học trên lớp ư? Hay để gọi điện hoặc chơi game? Không phải, đó là vì V.A mới lập một trang facebook cá nhân cho riêng mình, cậu dùng nó để tải lên những tấm ảnh mà mình chụp được, trò chuyện và nhắn tin với bạn bè về 101 thứ chuyện từ chuyện học hành, bạn bè, thậm chí cả đến chuyện yêu đương, hoặc chỉ để than thở về tình trạng của mình v.v..

Một câu chuyện khác, là cựu học sinh của Trường THPT Chuyên Hạ Long, có lẽ không mấy ai không biết đến Group THPT Chuyên Hạ Long. Đây là trang facebook do các cựu thành viên của trường lập ra nhằm kết nối các thế hệ học sinh của trường trên khắp mọi miền cả trong và ngoài nước. Truy cập vào trang này, mọi người được thấy lại những kỷ niệm thời đi học, những người bạn ngồi cùng bàn đã hơn mười năm không gặp... thấy những hình ảnh mới nhất của bạn bè bốn phương. Đây còn là một diễn đàn mở vì không phải chỉ ý kiến một người mà nhiều người khác cũng có thể tham gia cùng bình luận, chia sẻ quan điểm của mình do vậy mà mọi người dường như được xích lại gần nhau hơn.

Đi đôi với những mặt tích cực như trên là những cái hại mà nhiều người đã nhận thấy chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Đối với nhiều bạn trẻ, Facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”, nhưng khi lạm dụng thái quá sự đam mê ấy lại trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập.

Có nhiều bạn mải mê Facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành. Nhiều bạn sau khi quay lại bàn học vẫn “lưu luyến” với “anh Face” mà không thể tập trung. Chính điều đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Như V.A, cậu tâm sự rằng ngày nào không lên facebook là ngày đó cậu bứt rứt, ăn không ngon, ngủ không yên. Hậu quả là cuối năm học vừa qua, V.A đã không giữ được danh hiệu học sinh giỏi của mình từ những năm trước.

Mặt khác, vì nhiều người coi facebook là một dạng nhật ký nên trút vào đó tất cả những suy nghĩ tiêu cực mà không để ý rằng đây là dạng nhật ký mở, tất cả mọi người đều có thể đọc được nên đã tự gây ra những hậu quả đáng tiếc. Câu chuyện về một học sinh lớp 8 ở Đà Nẵng dùng facebook để nói xấu giáo viên đến mức suýt bị đuổi học mà dư luận xôn xao trong thời gian vừa qua là một ví dụ.

Nhiều người còn dùng facebook để tự “khoe hàng”, lôi kéo hoặc truyền bá những thông tin lệch lạc, vô bổ. Nguy hại hơn, các bạn trẻ khi viết trên facebook còn lạm dụng quá nhiều tiếng lóng bằng cách cố tình “biến dạng” các từ ngữ trong một câu văn dài, hoặc sai chính tả khiến cho tiếng Việt trở nên méo mó một cách đáng sợ. Điều này thậm chí lại đang là mốt đối với nhiều cư dân mạng. “Mình” thì họ viết là “mềnh”, biết thì thành “bít”, “làm sao” thì thành “nàm sao”... Những người tán đồng cho rằng việc nói lóng chẳng có gì là ghê gớm, đó chỉ là phá cách, làm mới ngôn từ và khiến bài viết trở nên vui vẻ, trẻ trung, nếu cái gì trên forum cũng khuôn mẫu thì chẳng còn đâu thoải mái. Những người phản đối lại chỉ ra rằng thứ tiếng Việt biến dạng này đã ít nhiều ảnh hưởng xấu, làm các cô cậu học sinh quen tay đưa luôn vào các bài tập làm văn ở lớp, cũng như trở thành thứ ngôn ngữ ứng xử hàng ngày.

Đoàn Thị Hồng Thái
(Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long)