Thứ tư, 30/04/2025, 0:32 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Gạch không nung: Chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường

Gạch không nung có nhiều đặc tính vượt trội hơn so với gạch nung đó là nhẹ, chống thấm tốt, bề mặt phẳng khi xây tiết kiệm vữa và giảm tải cho các công trình. Tuy nhiên, thực tế dòng sản phẩm thân thiện với môi trường này vẫn chưa có được vị trí vững chắc trên thị trường.



Hiện nay trong điều kiện nguồn đất sét ngày càng cạn kiệt và những ưu điểm vượt trội của vật liệu xây không nung, Thủ tướng Chính phủ quyết định đến năm 2015 tất cả các địa phương sẽ phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20 đến 25% và đến năm 2020 đạt từ 30 đến 40%. Chính vì vậy, trong Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ninh năm 2010 đến năm 2020 nêu rõ “Từ năm 2010 đến năm 2020 tạm dừng đầu tư xây dựng dự án sản xuất gạch ngói tuynel khu vực miền Tây; giảm sản lượng gạch thủ công, đầu tư xây dựng mới các nhà máy gạch không nung ở Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả; nguyên liệu sản xuất là xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện”. Là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Đông Triều đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung, Công ty CP Dịch vụ môi trường Đông Khê chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2012 với công suất của nhà máy là 40 triệu viên quy chuẩn/năm. Do mới đi vào hoạt động trong thời điểm nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu nói chung đang gặp khó khăn nên đơn vị mới chỉ hoạt động 1 ca/ngày với 20 lao động làm việc, mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường Đông Khê cho biết: “Do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước bị đình, hoãn nên việc ký hợp đồng với các đơn vị để tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn. Do vậy, từ đầu năm đến nay đơn vị chỉ sản xuất được khoảng 40 vạn viên. Cung cấp vật liệu cho một số công trình xây dựng của Công ty Kho vận Đá Bạc, Công ty Than Uông Bí và khu tái định cư làng chài, phường Hà Phong (TP Hạ Long).

Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty CP Dịch vụ môi trường Đông Khê (Đông Triều).
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty CP Dịch vụ môi trường Đông Khê (Đông Triều).

Không riêng gì Công ty CP Dịch vụ môi trường Đông Khê, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung như: Công ty CP Thương mại và Sản xuất vật liệu xây dựng Xanh, Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả, Công ty  CP Xây dựng và Phát triển đô thị miền Đông... Các doanh nghiệp đã tập trung sản xuất và cung ứng ra thị trường khá đa dạng về sản phẩm: Gạch block, ngói... Nguyên liệu sử dụng để làm gạch không nung chủ yếu là mạt đá và xi măng hoặc cát và xi măng. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng một số nhà máy nhiệt điện như: Mông Dương, Mạo Khê, Uông Bí, Quảng Ninh, Cẩm Phả... hàng năm sẽ thải ra hàng triệu m3 tro xỉ - đây chính là nguồn nguyên liệu rất lớn để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây không nung các loại, vừa thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, đồng thời lại vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Gạch không nung còn có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt, độ cứng gấp 2 lần so với gạch đất sét nung. Gạch có độ chính xác cao; trọng lượng xấp xỉ bằng 1/4 so với trọng lượng của bê tông bình thường và bằng 1/2 trọng lượng của gạch đất sét nung. Song giá thành mỗi viên gạch không nung chỉ bằng 2/3 viên gạch nung thủ công. Loại gạch này được chọn cho xây nhà cao tầng để giảm trọng lượng tường, tiết kiệm được chi phí. Được biết Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012 hướng dẫn Quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2013. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình. Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung kể từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.

Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu xây này đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm, chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường. Điều này có thể thấy khi dạo qua thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay, tại các cửa hàng bán lẻ thì sản phẩm gạch không nung vẫn còn yếu thế. Sở dĩ như vậy bởi tâm lý tiêu dùng của người dân, một phần bởi nhận thức và thói quen của người dân vẫn quen dùng gạch nung để xây. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là ưu đãi trong vay vốn, giảm thuế... chưa hình thành đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, kỹ thuật sản xuất; chưa ban hành được đơn giá, quy phạm, định mức xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.   
 
Để tạo thuận lợi hơn cho gạch không nung được sử dụng phổ biến trong nhân dân, từng bước trở thành vật liệu xây dựng chính trong tương lai, ngoài các chính sách hỗ trợ, rất cần sự hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá về năng lực các cơ sở sản xuất gạch không nung đạt tiêu chuẩn để người sử dụng dễ dàng tiếp cận với loại vật liệu “xanh” này.

Hiểu Trân