Thứ tư, 30/04/2025, 14:48 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Ghi ở một lớp xoá mù...

Đến làm việc ở xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, Bí thư Đảng uỷ xã Vũ Nhật Quang bảo: Tối nay ở thôn vùng cao Bình Sơn, xã sẽ khai giảng lớp xoá mù chữ cho chị em phụ nữ dân tộc Dao ở đây...  Thấy tò mò, tôi quyết định đóng vai “khách mời” lên Bình Sơn tìm hiểu lớp học đặc biệt này...



“Mù chữ thì khổ lắm...”

Đông Ngũ tuy là xã vùng thấp của huyện, nhưng cũng có một số thôn vùng cao. Người dân ở các thôn này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên đường lên Bình Sơn, một trong những thôn vùng cao ấy, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Nhật Quang tranh thủ “thông báo nhanh” về tình hình chung của xã. Anh Quang bảo, những năm qua, kinh tế - xã hội của Đông Ngũ phát triển khá nhanh, đời sống người dân về mọi mặt không ngừng được nâng lên. Nhiều mô hình phát triển sản xuất ở các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp nở rộ trên địa bàn xã làm cho số hộ nghèo giảm nhanh chóng (đầu nhiệm kỳ là gần 30%, nay chỉ còn 4,4%). Mới qua  nửa nhiệm kỳ (2010-2015) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhưng Đông Ngũ đã thực hiện thắng lợi hầu hết các chỉ tiêu. Đặc biệt thành công là việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới... “Xây dựng nông thôn mới được chúng tôi gắn chặt với xây dựng xã hội học tập theo Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ!”- Bí thư Đảng uỷ xã Vũ Nhật Quang nhấn mạnh.

Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ ở thôn Bình Sơn diễn ra đơn giản nhưng trang trọng...
Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ ở thôn Bình Sơn diễn ra đơn giản nhưng trang trọng...
Nhiều cô, nhiều chị được chồng, con chở đến lớp bằng xe máy. Lớp chật, các bà, các chị ngồi bên trong, còn các phu quân làm “xe ôm” thì đứng bên ngoài ngó vào. Nhìn quang cảnh lớp học thật ngộ…

Có lẽ từng là giáo viên vùng cao nhiều năm nên khi nói về chủ đề xây dựng xã hội học tập, về công tác xoá mù chữ cho người dân v.v.. Bí thư Vũ Nhật Quang tỏ ra rất say sưa. Anh bảo, thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng xã hội học tập, Đảng uỷ xã đã xây dựng chương trình hành động, đề ra mục tiêu và những chỉ tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể. Triển khai chương trình này, xã Đông Ngũ đã phối hợp với ngành Giáo dục huyện mở được 3 lớp xoá mù chữ ở các thôn vùng cao. Năm 2011 mở 1 lớp ở thôn Quế Sơn, năm 2012 mở 2 lớp ở thôn Đồng Mộc. Các lớp học này đều được mở trong dịp hè, và sau 3 tháng, tất cả học viên đều biết đọc, biết viết. “-Trước mắt cứ xoá mù cho bà con đã! Môn toán thì dẫu chưa biết chữ nhưng phần đông đồng bào vẫn làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản được, nên giáo viên chỉ cần dạy qua thôi!” - Anh Quang bảo thế.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Vũ Nhật Quang, ngoài mục tiêu nâng cao dân trí, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là đối tượng chị em phụ nữ, biết cái chữ để có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống, xoá mù chữ còn là cách để đảm bảo “quyền bình đẳng giới”…

 “-Ngày xưa thì không nói làm gì, còn ngày nay phụ nữ mù chữ thì khổ đủ đường” - Anh Quang bảo - “Lắm chị em chỉ vì không biết chữ mà phải chịu cảnh dở khóc dở cười…”. Rồi anh kể, hồi mới về xã công tác, có chị phụ nữ đến trụ sở xã khóc khóc mếu mếu, đưa cho chị cán bộ Hội phụ nữ xã tờ giấy, nói là chồng đưa cho bảo ký, nhưng không biết chữ nên không ký được! Mọi người xem tờ giấy chị phụ nữ đưa, hoá ra đó là đơn xin ly hôn của anh chồng viết… Chị phụ nữ ớ người, lại càng khóc to hơn!

...Cũng có học sinh thay mặt “các bạn” hứa quyết tâm học thật tốt.
...Cũng có học sinh thay mặt “các bạn” hứa quyết tâm học thật tốt.

Lại có chuyện một cặp vợ chồng trong xã trước nay vốn tình cảm khá mặn nồng, kinh tế gia đình cũng vào hàng khấm khá. Vậy mà chỉ vì một lý do “chẳng đâu vào đâu” mà dẫn đến hục hoặc. Chuyện bắt đầu từ một lần chị vợ nhận được tin nhắn điện thoại nhưng không biết đọc nên mới nhờ chồng đọc hộ. Ai ngờ là cái tin nhắn của một anh chàng nào đó, chẳng biết thực bụng hay cố tình trêu chọc, viết lời lẽ rất tình cảm, âu yếm… Vậy là anh chồng nổi máu ghen, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, nện cho chị vợ một trận nhừ tử…

 “-Phụ nữ vùng cao bây giờ cũng nhiều người sắm điện thoại di động lắm anh ạ! Thế nhưng khổ nỗi không biết chữ nên phần nhiều chị em có điện thoại di động cũng chỉ để… nghe thôi!” - Đi cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thanh Mai, Hiệu phó Trường Tiểu học Đông Ngũ 2, góp chuyện: “-Vậy nên khi các lớp xoá mù chữ được mở, chị em ai cũng muốn tham gia, vận động không khó khăn như trước đây đâu!”.

Như trẻ được cắp sách đến trường, “cô học sinh” này cũng thích diện áo mới trong ngày khai giảng...
Như trẻ được cắp sách đến trường, “cô học sinh” này cũng thích diện áo mới trong ngày khai giảng...

Nghe mọi người kể chuyện, nửa muốn cười, lại nửa muốn khóc! Thật không tin nổi đã sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn có lắm người mù chữ đến thế! Bí thư Đảng ủy Vũ Nhật Quang tỏ vẻ ưu tư:

“-Nhưng đó là thực tế! Và chính vì cái thực tế ấy mà bây giờ chúng ta phải kiên quyết giải quyết dứt điểm…”.

“Phải cố mà học...”

Khi chúng tôi đến Bình Sơn, trời đã nhá nhem. Ở điểm trường của Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 tại thôn Bình Sơn, các đồng chí cán bộ thôn và mấy chị phụ nữ lớn tuổi mặc trang phục người Dao đang trang trí lớp học chuẩn bị cho lễ khai giảng lớp xoá mù chữ. Thầy giáo Nình Văn Lộc được nhà trường phân công làm chủ nhiệm lớp cho biết, danh sách đăng ký học là 28 chị em, nhưng khả năng sẽ nhiều hơn. Và đến khi khai giảng thì số học viên nhiều hơn thật, ngót nghét 40 học viên. Tôi thấy đa phần học viên là những chị tuổi ngoài ba mươi, có một số người có khi đã ngoại ngũ tuần… Rất nhiều người mặc trang phục quần áo dân tộc Dao nên trông lớp học sặc sỡ, vui mắt. Thú vị nhất là nhiều cô, nhiều chị được chồng, con chở đến lớp bằng xe máy. Lớp chật, các bà, các chị ngồi bên trong, còn các phu quân làm “xe ôm” thì đứng bên ngoài ngó vào. Nhìn quang cảnh lớp học thật ngộ… Cô giáo Nguyễn Thanh Mai, Hiệu phó Trường Tiểu học Đông Ngũ 2, bảo: Ở đây đường sá thuận tiện hơn mấy lớp bên Quế Sơn, Đồng Mộc. Bên đó, đi lại khó khăn nên các cô, các chị em học viên cũng thường phải nhờ chồng, con chở đến lớp buổi tối.

Tôi nhìn toàn cảnh lớp, thấy cùng với các bà, các chị, còn có 4 học viên nam nữa, bèn lân la làm quen. Triệu Trọng Nghiêm (SN 1991) là một trong 4 học viên nam ấy, tâm sự: “Em phải “lấy hết dũng khí” mới dám vào đây ngồi đấy. Ngại lắm, vì trước em đã học đến lớp 2, nhưng lâu không đọc, viết nên quên sạch. Giờ phải học lại thôi”.

Cạnh đó có một nam thanh niên tuổi ngoài đôi mươi, tôi cứ ngỡ là học viên, nhưng hoá ra không phải. Trò chuyện thì biết đó là Đặng Văn Tiến, Bí thư chi đoàn thôn. Tiến kể, để chuẩn bị cho lớp này, người đầu tiên anh làm “công tác tư tưởng” là mẹ mình, bà Chíu Tài Múi. Bà Chíu Tài Múi (thực ra gọi là chị Múi có khi còn hợp hơn vì cũng chỉ tầm trên dưới bốn mươi tuổi), trước kia không được đi học do hoàn cảnh gia đình khó khăn… Khi được con trai vận động, lúc đầu bà ngần ngại, sau thấy các chị em khác trong thôn đều đi nên đã đồng ý. “-Vận động ra lớp thì không khó, nhưng để duy trì lớp học đạt hiệu quả thì cũng là cả một vấn đề. Nhưng em và mọi người sẽ cố gắng…” - Bí thư chi đoàn thôn Bình Sơn nói. Ngồi hàng trước bà Chíu Tài Múi là một cô còn khá trẻ, tên là Tằng Thị Hoa. Hoa bảo, cô năm nay 25 tuổi, đã có chồng, con lớn học lớp một, con nhỏ 6 tháng tuổi. Hoa đi học vì “muốn biết cái chữ để cho chồng vui…”. “Biết là con còn nhỏ, nhà nhiều việc, sắp tới lại thu hoạch vụ chiêm thì chồng sẽ vất vả. Nhưng không học bây giờ, chẳng biết khi nào mới lại có lớp nữa. Phải học để biết cái chữ, để khi con có hỏi còn biết mà bảo nó chứ!” - Hoa cười, nói với tôi như vậy. Đúng lúc ấy, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ đến dự khai giảng hỏi to mọi người: “-Các bác, các chị đi học thế này, về nhà, chữ gì không biết thì hỏi ai?”.

“-Hỏi con mình ý!” - Hoa đáp rõ to trong sự hưởng ứng của rất đông quan khách và những tiếng cười khúc khích tỏ ý đồng tình của các cô, các chị khác trong lớp...

Thay lời kết

Trước thời điểm bài báo này được đăng, tôi điện hỏi thầy Lộc, cô Mai về tình hình lớp học. Cả hai đều vui mừng thông báo: Do số người theo học tăng lên (40 học viên) nên xã quyết định tách làm 2 lớp. Thầy Lộc, người từng phụ trách việc giảng dạy nhiều lớp xoá mù chữ, còn tỏ ra rất hồ hởi: “-Mùa màng mà chị em vẫn tranh thủ đi học là quý lắm. Nhận thức của người dân giờ khác trước rồi. Đi rừng hoặc làm công thuê mỗi ngày vài ba trăm nghìn bây giờ không quý bằng cái chữ là cả một sự thay đổi lớn về nhận thức đấy nhà báo ạ!”…

Đỗ Ngọc Hà