Thứ tư, 30/04/2025, 12:21 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Giải quyết tranh chấp giữa 2 ngành hàng ở chợ Hạ Long I: Làm sao cho vẹn đôi đường!

Từ nhiều tháng nay, bầu không khí ở chợ Hạ Long I chợt “nóng” lên vì “cuộc chiến” giữa hai ngành hàng: Quần áo may sẵn và tạp phẩm. Cuộc tranh chấp này nghe chừng khó phân xử nếu chính quyền và cơ quan chức năng không tìm được tiếng nói chung giữa hai ngành hàng và một giải pháp vẹn cả đôi đường.

Theo phản ánh của các tiểu thương ngành hàng quần áo, tại khu vực tầng hai của chợ Hạ Long I bố trí ngành hàng quần áo may sẵn và ngành tạp phẩm. Theo quy định thì ngành tạp phẩm không được kinh doanh sang lĩnh vực quần áo, nhưng từ nhiều năm nay, ngành tạp phẩm đã vi phạm lấn sân sang kinh doanh cả mặt hàng quần áo, cạnh tranh với họ làm ảnh hưởng đến kinh doanh của ngành quần áo. Chính vì vậy, ngành hàng quần áo đã làm đơn lên Ban quản lý (BQL) chợ Hạ Long I, UBND TP Hạ Long và UBND tỉnh đề nghị cấm ngành tạp phẩm kinh doanh sang lĩnh vực quần áo. Trước nguy cơ bị “cấm cửa” ngành tạp phẩm cũng làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, lên UBND tỉnh với lý do, từ nhiều năm nay họ vẫn kinh doanh buôn bán mặt hàng này nhưng không có cơ quan chức năng nào nhắc nhở, họ vẫn đóng thuế đầy đủ và tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về kinh doanh...

Quầy hàng kinh doanh tạp phẩm.
Quầy hàng kinh doanh tạp phẩm.

Tìm hiểu nội dung vụ việc chúng tôi được biết, hiện tại chợ Hạ Long I có 143 quầy kinh doanh quần áo may sẵn và 103 quầy hàng kinh doanh tạp phẩm. Ngành hàng quần áo may sẵn chủ yếu bán quần áo dài, có khoảng 8 hộ kinh doanh thêm quần áo lót. Ngành tạp phẩm có 35 quầy kinh doanh quần áo lót, áo tắm, còn lại là kinh doanh các mặt hàng khác như đồ lưu niệm, túi bóng... Theo phản ánh của các tiểu thương ngành hàng tạp phẩm, từ nhiều năm nay, ngành tạp phẩm vẫn kinh doanh mặt hàng quần áo lót, áo bơi kèm với các mặt hàng khác mà không thấy cơ quan chức năng hay các ngành hàng khác có ý kiến gì. Chị Đỗ Kim Phượng, chủ quầy bán tạp phẩm ở chợ Hạ Long I cho biết: Chúng tôi kinh doanh hàng tạp phẩm ở chợ đã gần 30 năm nay nhưng không xảy ra tranh chấp với ngành hàng nào. Tất cả các hộ kinh doanh hàng tạp phẩm đều chấp hành đúng quy định, chính sách của Nhà nước, nộp thuế môn bài đầy đủ. “Nước sông không phạm vào nước giếng” nhưng không hiểu sao từ mấy tháng nay, ngành hàng quần áo lại có đơn đề nghị cấm không cho chúng tôi bán hàng. Từ trước đến nay không riêng gì chợ Hạ Long I mà tại các khu chợ truyền thống trong tỉnh và trên toàn quốc các quầy hàng tạp phẩm đều kinh doanh quần áo lót, quần áo bơi. Hiếm quầy hàng bán quần áo may sẵn có bán mặt hàng này vì khách hàng có thói quen mua quần áo lót, áo bơi tại các quầy hàng tạp phẩm. Chúng tôi không biết luật quy định như thế nào nhưng từ xưa đến nay đã có “luật bất thành văn” là quần áo lót, áo bơi đều do các quầy hàng tạp phẩm kinh doanh, nay lại có yêu cầu cấm chúng tôi bán mặt hàng này thì khó khăn cho chúng tôi quá.

Chị Đào Kim Lương, một chủ quầy khác cho biết: Bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn kinh doanh mặt hàng này, hàng năm đều làm hợp đồng và đăng ký kinh doanh nhưng không thấy cơ quan chức năng nhắc nhở được kinh doanh những mặt hàng gì. Chúng tôi đã đầu tư khá nhiều vốn liếng vào quầy hàng, bán hàng đã quen khách, nay nghe tin thành phố có chủ trương cấm chúng tôi không được kinh doanh mặt hàng này nữa, ai không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thu hồi, chúng tôi thực sự sốc. Nếu ngay từ đầu chính quyền, cơ quan chức năng nghiêm cấm không cho những người kinh doanh hàng tạp phẩm được bán mặt hàng này thì chúng tôi đã có kế hoạch để kinh doanh mặt hàng khác. Nay nếu cấm không cho kinh doanh mặt hàng này nữa thì khác nào đẩy chúng tôi ra ngoài đường.

Quầy hàng kinh doanh quần áo.
Quầy hàng kinh doanh quần áo.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ quầy hàng tạp phẩm cho biết, so với các ngành khác, ngành tạp phẩm hiện nay kinh doanh khá ế ẩm. Bằng chứng là có tới 26 quầy hàng tạp phẩm hiện phải đóng cửa, làm kho hàng, nếu không bán kèm theo quần áo lót thì quả thực khó khăn cho họ. Về vấn đề này BQL chợ Hạ Long I cũng thừa nhận hiện nay việc kinh doanh của ngành hàng tạp phẩm đang gặp nhiều khó khăn, ế ẩm.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo TP Hạ Long, được biết: Thành phố và BQL chợ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành hàng để bàn biện pháp tháo gỡ những khúc mắc này. Ban đầu BQL chợ Hạ Long I đã đưa ra phương án bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh cho các hộ bán hàng tạp phẩm phù hợp với quy định hiện hành và cũng để đảm bảo cho quyền lợi của các hộ kinh doanh hàng tạp phẩm, tuy nhiên, phía ngành hàng quần áo vẫn kiên quyết không đồng ý.

Theo chúng tôi ý kiến bổ sung thêm giấy phép kinh doanh chủng loại hàng hoá cho ngành hàng tạp phẩm là có lý, có tình hơn cả. Để xảy ra việc kinh doanh không đúng chủng loại quy định ở ngành hàng tạp phẩm nếu xét tận cùng có lỗi từ phía cơ quan quản lý. Bởi ngay từ đầu nếu phát hiện ngành tạp phẩm kinh doanh sai chủng loại thì cơ quan quản lý phải chấn chỉnh ngay, nhưng cho đến tận khi ngành hàng quần áo khiếu nại cơ quan chức năng mới kiểm tra kết luận là sai mặt hàng và yêu cầu phải đình chỉ, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán của các tiểu thương. Về vấn đề này thiết nghĩ cơ quan quản lý cần phải rút kinh nghiệm trong việc bố trí ngành hàng, cấp giấy phép kinh doanh, đảm bảo phù hợp giữa các ngành hàng, tránh xâm lấn, chồng chéo giữa các ngành hàng.

Bên cạnh đó, BQL chợ Hạ Long I và Chi hội Phụ nữ chợ cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thông cảm và chia sẻ trong lúc khó khăn, tránh những mâu thuẫn nhỏ dẫn đến tranh chấp lớn, gây mất đoàn kết. Về phía các tiểu thương nên có sự nhường nhịn, bởi cùng là các hộ kinh doanh gần gũi từ xưa đến nay, nên tạo điều kiện cho nhau cùng làm ăn. Các cụ vẫn dạy “buôn có bạn, bán có phường”, đừng vì những mâu thuẫn vụn vặt mà mất đi nghĩa tình phường chợ với nhau.

Ý kiến người trong cuộc

* Ông Nguyễn Trường Nhân, Trưởng Ban quản lý chợ Hạ Long I: Sẽ rất khó khăn cho ngành tạp phẩm nếu buộc phải dỡ bỏ những mặt hàng không đúng quy định

Theo quy định của Bộ Công thương thì trong danh mục hàng tạp phẩm không có quần áo dưới bất kỳ hình thức nào, vì vậy việc các hộ kinh doanh hàng tạp phẩm chợ Hạ Long I kinh doanh quần áo lót, áo bơi là vi phạm quy định. Tuy nhiên vì từ xưa đến nay, các ngành hàng tạp phẩm tại các khu chợ truyền thống vẫn kinh doanh mặt hàng này và trên thực tế là thị trường vẫn mặc nhiên thừa nhận quầy hàng tạp phẩm bao gồm cả quần áo lót, đồ bơi.

Thực tế từ hàng chục năm nay, các tiểu thương kinh doanh hàng tạp phẩm chợ Hạ Long I vẫn bán loại hàng hoá là quần áo lót, đồ bơi và họ đã đầu tư vốn liếng vào mặt hàng đó khá nhiều. Chưa kể theo kết quả kinh doanh thì tuy không phải là loại hàng chủ đạo nhưng mặt hàng quần áo lót, đồ bơi lại là “cứu cánh” cho các chủ quầy tạp phẩm trong thời điểm hiện nay. Nếu bây giờ buộc họ phải dỡ bỏ các hàng hoá đó thì sẽ gây khó khăn cho các hộ kinh doanh rất lớn. Tuy nhiên, quy định là quy định, vì vậy Ban Quản lý chợ Hạ Long I rất khó khăn trong việc tìm ra giải pháp đảm bảo hài hoà lợi ích giữa hai bên.

* Ông Nguyễn Văn Thoại, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Có thể bổ sung thêm chủng loại hàng hoá cho ngành hàng tạp phẩm

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì công dân có quyền kinh doanh, buôn bán các mặt hàng không bị Nhà nước cấm. Vì vậy trong trường hợp của ngành hàng tạp phẩm chợ Hạ Long I có thể bổ sung thêm vào giấy phép kinh doanh của họ chủng loại quần áo. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho họ được kinh doanh, buôn bán phù hợp với quy định của các cơ quan chức năng, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là TP Hạ Long và Ban Quản lý chợ Hạ Long I phải xem xét, bố trí các ngành hàng phù hợp với quy hoạch chợ và giữa các ngành hàng để tránh tình trạng chồng chéo, khiến các ngành hàng không phát huy được hiệu quả.

* Chị Nguyễn Thanh Vân (khách hàng tại chợ Hạ Long I): Khách hàng luôn lựa chọn mua hàng hoá theo thói quen hay những quy ước ngầm

Khi đi mua sắm, khách hàng thường tìm đến những quầy hàng có tính chuyên biệt để lựa chọn. Ví dụ, khi chọn mua mỹ phẩm tôi thường đến quầy chuyên bán mỹ phẩm; mua quần áo lót sẽ đến những quầy tạp phẩm lựa chọn, ít khi tôi thấy ở những quầy hàng bán quần áo may sẵn lại bán kèm đồ lót. Chính vì thế tôi nghĩ việc ngành hàng tạp phẩm có bán quần áo lót, đồ bơi cũng là hợp lý. Vấn đề là bố trí các quầy hàng, ngành hàng như thế nào để tránh cạnh tranh nhau, ảnh hưởng đến lợi ích của nhau.

Nhóm PV Phòng Bạn đọc