Để giảm thiểu tối đa những tác động xấu đến môi trường nước khu vực này, TP Hạ Long và các ngành chức năng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhất là kiểm soát các khu vực có lượng phát thải lớn. Cụ thể như, đối với cảng Cái Lân là một trong những cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển toàn quốc, đã được Bộ KHCN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đơn vị đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 400m3/ngày và đã được UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải. KCN Cái Lân, hiện tại đã lấp đầy 70% diện tích đất. KCN cũng đã có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Hiện đơn vị đã đầu tư trạm xử lý nước thải với công suất 1.200m3/ngày, và được UBND tỉnh cấp phép theo quy định. Đặc biệt, đối với cảng dầu B12 có hệ thống kho chứa quy mô trên 90.000m3 và 3 cầu cảng có đường ống xuất nhập xăng dầu từ các tàu vận chuyển (đáp ứng cho tàu trọng tải 40.000, 5000 và 500 DWT). Kho chứa và cảng dầu B12 đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cũ) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hoạt động tại cảng phát sinh nước thải có lẫn dầu từ các khâu rửa, xục đáy bể chứa, nước thải sinh hoạt. Công ty Xăng dầu B12 đã đầu tư 1 trạm xử lý nước thải cho cơ sở với công suất 200m3/ngày và đã được UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải theo quy định.
Bên cạnh các KĐT, KCN ven biển thì khu du lịch Bãi Cháy cũng là một điểm gây áp lực đến môi trường nước Vịnh Hạ Long. Khu vực này bao gồm khu vui chơi và bãi tắm của Công ty TNHH MTV Du lịch thanh niên, khu công viên, bãi tắm của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia và rất nhiều các cơ sở lưu trú du lịch từ 1 sao đến 4 sao, với quy mô khoảng trên 5.000 phòng. Hiện nay, khu du lịch Bãi Cháy đã được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất 3.500m3/ngày từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tất cả nước thải ở khu vực Bãi Cháy được thu gom lại tại 8 trạm bơm tự động để đưa về Nhà máy xử lý.
Khu vực cảng tàu du lịch Bãi Cháy là cảng tàu du lịch tập trung mật độ phương tiện lớn nhất. Theo ước tính, một ngày sẽ có trên 400 lượt tàu có hoạt động neo đậu và đón trả khách tại cảng này. Với số lượng lớn như vậy, nguy cơ ô nhiễm từ các chất thải hữu cơ và vô cơ là rất lớn. Do các tàu hiện nay chỉ có các thiết bị để thu gom chất thải lỏng nhưng chưa có thiết bị xử lý, cũng như công tác thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt vẫn chưa được triển khai. Đối với công tác thu gom chất thải, hiện nay trên mặt cảng đã bố trí khu vực để làm nơi tập kết trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các tàu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như mất mỹ quan chung, ảnh hưởng đến môi trường.
Có thể thấy, việc phát triển các KĐT, KCN, khu du lịch ven biển đã góp phần không nhỏ cho những thành công về phát triển kinh tế - xã hội TP Hạ Long trong những năm gần đây. Tuy vậy, đây cũng chính là những tác nhân gây áp lực không nhỏ đến môi trường, đặc biệt là đối với môi trường nước biển ven bờ Vịnh Hạ Long. Mặc dù, công tác bảo vệ môi trường đang dần đi vào nền nếp, đến nay hầu hết các dự án, cơ sở đều đã lập hồ sơ bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo các nội dung đã cam kết tại một số doanh nghiệp, đơn vị còn hạn chế, đa số đều thực hiện không đúng, không đầy đủ. Do vậy, trong thời gian tới thành phố đã có kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, nhất là đối với các dự án đang tiến hành triển khai san lấp mặt bằng ven biển… để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết.
Lê Hải