Thứ sáu, 02/05/2025, 0:15 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Gió vào nhà trống...

Còn nhớ, vào thời điểm đầu tháng 1-2013, Báo Quảng Ninh từng đã đề cập đến chuyện về những ngôi nhà dành cho bà con ở vùng Nam Định, Thanh Hoá di dân ra xây dựng kinh tế mới ở xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) bị bỏ hoang, không có người ở...



Những tưởng mọi việc đã giải quyết ổn thoả, nhưng mới đây, PV Báo Quảng Ninh có dịp trở lại xã đảo và thật ngạc nhiên khi những xác nhà không người ở, với những ô cửa không cánh sập sệ... vẫn còn đó; mặc cho gió biển tự do ra vào...

Người có nhà không ở...

Theo số liệu điều tra, toàn xã Ngọc Vừng hiện có 224 nóc nhà với hơn 800 khẩu, phân bổ trên địa bàn 4 thôn: Ngọc Nam, Bình Minh, Bình Ngọc và Ngọc Hải. Tháng 11-1996, UBND tỉnh có Quyết định 2863 phê duyệt Dự án “Di dân khai thác sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven biển và ổn định dân cư xã Ngọc Vừng, Vân Đồn” với mục tiêu đưa khoảng 200 hộ (trong đó tiếp nhận từ tỉnh ngoài khoảng 150 hộ) nhằm khai thác hơn 700ha đất hoang hoá trên đảo đưa vào sản xuất. Thực hiện chủ trương này của tỉnh, đất đã được chia ô, nhà ở đã được xây dựng cho dân kinh tế mới đến định cư. Và nếu mọi chuyện “thông đồng bén giọt”, Ngọc Vừng hôm nay chắc chắn dân cư đã đông đúc, sầm uất hơn nhiều. Thế nhưng, như chị Nguyễn Thị Hồng Thư, Chủ tịch UBND xã đảo cho biết, trong số 90 hộ di dân ra đảo, chủ yếu là người vùng Thanh Hoá, Nam Định, thì hiện chỉ còn 16 hộ trụ lại,  74 hộ đã tự ý bỏ đất, bỏ nhà ra về hoặc chuyển nhượng mà không thông báo gì với chính quyền địa phương… Một số căn nhà được sang tên đổi chủ, phần còn lại thì bỏ không “mặc kệ gió lung lay”… Dân kinh tế mới “bỏ của chạy lấy người” nhiều nhất là vào thời điểm những năm 2005, 2006, khi gió bão làm cho những ngôi nhà này xuống cấp nghiêm trọng. Đi dọc con đường vào UBND xã, nhìn những ngôi nhà bỏ hoang hai bên đường mà cảm thấy xót xa. Nhiều nhà mái đã sụp hoàn toàn, tường bị bong tróc, sân vườn cỏ dại thi nhau mọc um tùm thành nơi chăn thả gia súc. Thậm chí, người ta còn dùng chính những căn nhà mái bằng đàng hoàng này để làm chuồng nhốt trâu, bò, dê v.v.. những ngày trời mưa gió…

Những ngôi nhà trống đã xuống cấp nghiêm trọng...
Những ngôi nhà trống đã xuống cấp nghiêm trọng...

“-Thế đấy, nhiều nơi nhà ở cho dân đang là chuyện bức xúc; còn ở đây thì làm… chuồng gia súc! Thật phi lý hết sức!” - Bạn đồng nghiệp đi cạnh tôi chua chát nói.

Đi qua gần chục ngôi nhà hoang, chúng tôi mới thấy lác đác một vài ngôi nhà vẫn còn người ở, trong đó có gia đình bà Trần Thị Bích. Bà Bích cho biết: “-Gia đình tôi người gốc ở Nam Định, ra đây định cư đã được 17 năm rồi. Lúc đầu chưa biết Ngọc Vừng thế nào, chỉ nghĩ ra đảo để có chỗ làm ăn cho nó rộng rãi, có nhiều cơ hội để khấm khá hơn so với cuộc sống ở quê. Thế nhưng, giờ  ở cũng dở mà về cũng dở…”.

Bà còn cho biết thêm, hiện ở đây mỗi dãy nhà chỉ có vài gia đình bám trụ; còn thì về lại quê hết. Bà bảo: “-Những người ở lại như gia đình tôi cũng là cùng đường mà thôi! Với những người vốn biết làm ngư nghiệp từ ở quê còn đỡ hơn, chứ với bà con sản xuất nông nghiệp thì quả thực cuộc sống rất khó khăn...”. Hỏi vì sao, bà Bích giải thích:  “-Gia đình tôi 4 miệng ăn, tiêu chuẩn có 4 sào ruộng. Vụ chiêm thì cấy được có gần 1 tạ/sào, vụ mùa  bỏ ruộng không. Năm ngoái, tôi mượn thêm của người ta 3 sào nữa, cả thảy được 7 sào ruộng mà cũng chỉ được mấy tạ thóc. Đất trồng rau thì hạn chế, lại không có nước tưới. Nước giếng khơi bị nhiễm mặn, người ăn còn không nổi huống chi tưới cho rau…”.
Người muốn ở lại không có nhà...

Chị Thư cho chúng tôi xem những lá đơn của người dân xin được mua những ngôi nhà trống này...
Chị Thư cho chúng tôi xem những lá đơn của người dân xin được mua những ngôi nhà trống này...

Những người bỏ đảo về quê thì nói là do hoàn cảnh khó khăn, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hồng Thư thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc các hộ dân bỏ đất ra về. Thứ nhất là hạ tầng chưa thực sự đáp ứng, phương thức làm ăn lại không quen, đã thế trong số các gia đình ra đảo xây dựng kinh tế mới lại có một số người thuộc diện “đầu bò đầu bướu”, chẳng chịu làm ăn gì. Thứ hai, hầu như dân ra đây vẫn còn nhà cửa đất cát, thậm chí là hộ khẩu vẫn để ở quê, nên chuyện về cũng dễ dàng. Thứ ba là tâm lý quê cha đất tổ vẫn còn rất nặng nề trong đại đa số dân ra đảo nên người dân không thể an cư; mà không “an cư “ thì làm sao nói đến chuyện “lạc nghiệp” được!

Theo chị Thư cho biết, người dân trong xã, cả dân bản địa và dân kinh tế mới đang trụ lại, nhiều người vẫn bám biển, bám đảo. Nhưng cũng từ đây xảy ra một nghịch lý. Nhà thì bỏ hoang mà người thực sự có nhu cầu ở lại thì chẳng được ở. Chị Thư đưa chúng tôi xem bộ hồ sơ gồm rất nhiều lá đơn xin được mua nhà thanh lý của người dân. Chúng tôi đếm được có 41 lá đơn cả thảy. Hầu hết đều được viết vào năm 2006. Có hộ còn khẩn thiết đến nỗi tự nguyện kẹp vào trong đơn số tiền 150.000 đồng, gọi là tiền nộp trước lệ phí để xin được mua nhà! Trong lá đơn của mình, anh Nguyễn Thế Khởi viết: “Nhà tôi đông anh chị em. Vợ chồng tôi đã xin ra ở riêng, hiện đã có một cháu gái. Biết gia đình tôi không có đất để làm nhà, năm 2001, UBND xã đã cho chúng tôi mượn căn nhà số 22 của anh Hoàng Văn Tuấn đã bỏ về từ trước để ở tạm. Nay tỉnh thu hồi để cấp cho những hộ có nhu cầu nên chúng tôi viết đơn này kính trình các cấp xem xét giải quyết cho chúng tôi”. Tương tự trường hợp anh Khởi, anh Lê Trọng Học (thôn Ngọc Hải) cũng là người theo cha mẹ ra đảo xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang phục hoá đầm lầy ven biển. Sau đó, anh lấy vợ, sinh con nhưng không có đất để làm nhà ở và canh tác nên vẫn ở chung với bố mẹ. Gia đình anh lại đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn. Trong đơn, anh Học cũng khẩn thiết xin chính quyền cho anh được ưu tiên mua một căn nhà thanh lý để ổn định cuộc sống. Hộ chị Trần Thị Hoàn cũng không có nhà, có đất, phải đi mượn của người khác để làm ăn, sinh sống. Chị Hoàn bày tỏ nguyện vọng: “-Chúng tôi mong muốn ra đây xây dựng cuộc sống và làm giàu cho xã đảo. Nhưng vì gia đình chồng tôi đông anh em, cuộc sống khó khăn, chúng tôi đã mượn căn nhà số 5 của dân kinh tế mới đã bỏ về. Nay chúng tôi đã tu sửa căn nhà thêm sạch đẹp. Vườn đã trồng nhiều cây ăn quả chuẩn bị cho thu hoạch. Cuộc sống dần ổn định hơn. Vậy kính mong cấp trên xét duyệt cho vợ chồng chúng tôi sở hữu căn nhà đó”… Còn hàng loạt đơn xin được mua nhà thanh lý của bà con mà chị Thư đang giữ, như trường hợp của anh Đỗ Văn Bốn, anh Nguyễn Văn Thi, anh Hoàng Trung Tính v.v.. Chị Nguyễn Thị Hồng Thư bảo: “-Khổ thế đấy. Thương bà con lắm nhưng chưa biết giải quyết làm sao. Đành giữ lại đây cho bà con để chờ chính sách”…

...Trong đó có những lá đơn còn đính kèm... tiền lệ phí!
...Trong đó có những lá đơn còn đính kèm... tiền lệ phí!

Đâu là giải pháp?

Việc bà con tự ý chuyển nhượng nhà cho nhau, tự ý bỏ về khiến cho việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu của chính quyền xã càng thêm khó khăn. Nhà thì bỏ hoang trong khi đó nhu cầu đất ở của địa phương lại đang rất cần. Thu hồi lại thì không được vì nhà đã cấp cho người ta, sổ đỏ họ cũng giữ khi bỏ về quê cũ. Ngày 11-6-2004, UBND tỉnh đã có Quyết định 1954 về việc thu hồi và bàn giao 35 ngôi nhà kinh tế mới tại Hải Sơn (Móng Cái) và Ngọc Vừng (Vân Đồn). Chị Nguyễn Thị Hồng Thư cho biết: “Theo chủ trương này, Ngọc Vừng thu hồi được 22 hộ, nhưng thu vẫn để đấy. Mới có ý định thanh lý thì doanh nghiệp tư nhân đã chực nhảy vào…”. Được biết, tổng giá trị nhà và đất của 22 hộ được xác định theo biên bản thanh lý ngày 21-8-2006 là trên 320 triệu đồng. Đó là vào thời điểm năm 2006 chứ còn hiện nay khi những căn nhà trên đang xuống cấp nghiêm trọng thì chẳng biết giá cả sẽ rớt xuống mức nào! Hơn ai hết, chính quyền xã Ngọc Vừng mong muốn giải quyết càng sớm càng tốt tình trạng này. “-Chúng tôi sẽ tiếp tục có những văn bản báo cáo lên cấp trên đề nghị giải quyết sớm nhất tình trạng này. Nếu nhận được chủ trương của huyện và  tỉnh, xã sẽ thống kê làm lại bộ hồ sơ, ra thông báo bán nhà thanh lý cho dân có nhu cầu đến mua” - Chị Nguyễn Thị Hồng Thư chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện uỷ Vân Đồn, cho rằng: “Nguyên nhân của hiện tượng trên là do lựa chọn ban đầu chưa phù hợp. Những người ra đảo nhiều người sản xuất nông nghiệp thì quen chứ đánh bắt thì chưa từng làm. Nhiều người kinh tế lại khó khăn không đủ điều kiện mua sắm tàu bè, công cụ đánh bắt. Thế nên họ bỏ về…”. Việc giải quyết sao cho thấu tình đạt lý về những ngôi nhà này đang là bài toán khó đặt ra cho chính quyền xã Ngọc Vừng cũng như huyện Vân Đồn. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra lại hộ khẩu, thu hồi lại những ngôi nhà đang không có người ở, bố trí cho các hộ mới phù hợp hơn. Cái khó là phải về lại các tỉnh đã đưa dân ra, xem xét lại giấy tờ của từng người, sau đó, mới có hướng đề nghị thu lại sắp xếp sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, việc này cũng phải thực hiện thật thận trọng và phải dựa trên cơ sở pháp lý, bởi đất đai, nhà cửa trước kia đã giao cho người ta rồi” - Ông Đoàn Văn Chỉnh nhấn mạnh.

Thay lời kết

Chia tay Ngọc Vừng, chúng tôi lên tàu ra về mà lòng không khỏi băn khoăn. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, những ngôi nhà kia còn đứng vững được bao lâu nữa? Bao giờ thì nhà có chủ? Những câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của chúng tôi khi gió biển vẫn không ngừng thổi qua những ngôi nhà trống…

Phương Thuý - Phạm Học