Với đặc điểm là tiện dụng và về cảm quan là tương đối sạch sẽ, nên túi nylon rất được các bà nội trợ ưa chuộng. Điều này khiến cho số lượng túi được sử dụng tại các chợ đang ngày một tăng cao. Trung bình một ngày chị Nguyễn Thị Tám, tiểu thương chợ Cột 5 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) sử dụng khoảng 1kg túi nylon. Chị Tám cho biết: “Trước đây một ngày tôi chỉ sử dụng vài lạng túi nylon cho khách thì nay đã lên tới trên 1kg. Tính ra một khách cũng phải dùng từ 2-5 túi cho một lần mua hàng. Chi phí cho việc dùng túi nylon hàng tháng ở quầy hàng tôi cũng không hề thấp chút nào. Tuy nhiên, người mua yêu cầu thì chúng tôi phải đáp ứng, nếu không thì khó mà bán hàng được”.
![]() |
Túi nilon dùng một lần được sử dụng rất phổ biến hiện nay. (Ảnh chụp tại chợ Hạ Long 1) |
Cũng theo chị Tám, mỗi ngày chỉ tính riêng chợ Cột 5, người bỏ mối bán túi nylon có thể tiêu thụ từ vài chục tới cả trăm kg các loại cho các tiểu thương trong chợ và thường số túi này đều dùng hết ngay trong ngày. Con số này nếu nhân với hàng trăm chợ lớn nhỏ, các quầy hàng kinh doanh thì lượng túi nylon thải ra mỗi ngày quả là một con số khổng lồ. Được biết, hiện trên địa bàn cũng đã có một số cửa hàng sử dụng các loại túi giấy để đựng hàng hoá, tuy nhiên, loại túi này không tiện dụng bằng túi nylon do dễ rách và dễ thấm nước nên không được sử dụng nhiều. Theo phản ánh của nhiều cửa hàng, ngay cả khi có túi giấy thì khách hàng vẫn yêu cầu được bọc trong túi nylon.
Qua khảo sát cho thấy, đa số các loại túi nylon chỉ được sử dụng một lần, ít khi nào có cơ hội tái sử dụng. Điều này gây ra những tác động không tốt đến môi trường sinh thái. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ: Hiện nay trong cả nước, không nhiều đơn vị mạnh dạn đầu tư công nghệ phục vụ cho việc tái chế túi nylon. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng túi nylon thải ra môi trường sẽ ngày một lớn hơn vì để phân huỷ hoàn toàn một túi nylon sẽ mất khoảng vài trăm năm. Bên cạnh đó, túi nylon ngay khi thải ra môi trường cũng đã gây ra những tác động tức thì tới môi trường và đời sống của người dân. Cụ thể, khi túi nylon lẫn vào đất sẽ ngăn cản khí oxy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất. Ngoài ra, các hoá chất độc hại trong túi còn có thể thâm nhập vào nguồn nước, vào đồ ăn thức uống gây tổn hại sức khoẻ con người.
Hiện nay, các bộ, ngành cũng chưa có cơ chế cụ thể nào hướng dẫn quản lý việc sử dụng túi nylon. Do vậy, lượng túi nylon sử dụng trong đời sống hoàn toàn tuỳ thuộc vào nhận thức của người dân. Để hạn chế thải túi nylon ra môi trường, cách tốt nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền và khuyến khích người dân thực hiện việc tái sử dụng loại túi này. Theo đó, túi nylon sẽ được sử dụng nhiều lần (bằng việc bảo quản và vệ sinh túi) thay vì một lần như hiện nay. Cách làm này cũng đã được một vài phường, xã trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Trường hợp như tại khu phố 12, phường Quang Trung, TP Uông Bí. Từ một vài điểm sáng thực hiện tái sử dụng túi nylon, Hội Phụ nữ phường đã nhân rộng thành một phong trào triển khai toàn khu. Với khoảng hơn 400 hộ gia đình trong khu thực hiện tái sử dụng túi nylon, ước tính trung bình mỗi tuần tái sử dụng được khoảng trên 4.200 túi nylon cũ. Số túi này được quay vòng cho các tiểu thương và người nội trợ sử dụng. Tuy nhiên, mô hình tái sử dụng túi nylon như ở khu phố 12, phường Quang Trung hiện nay chưa nhiều. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương nên tích cực vào cuộc hơn nữa trong công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân địa phương mình thực hiện mô hình tái sử dụng túi nylon nhằm giảm thiểu những tác hại đến môi trường cũng như bảo vệ sức khoẻ cho người dân và về lâu dài cần có biện pháp thay thế túi nylon bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Vân Du