Chọn năm sinh
Bạn tôi có đấng lang quân là “độc đinh” trong gia đình gia giáo, tam đại đồng đường cùng chung sống dưới một mái nhà. Chính vì vậy, ngay trong ngày cưới, đôi “tân lang, tân nương” đã được cả họ nhắn nhủ, gửi gắm: “Nhất định sang năm (năm 2003 - PV) phải sinh được cậu Quý Mùi”. Để ăn chắc, hai vợ chồng bạn tôi đã tự mày mò tìm đọc các loại sách vở, rồi tính toán, xây dựng kế hoạch sinh con khá cẩn thận, chi tiết. Ngày “đơm hoa, kết trái”, cả họ nín thở chờ “cậu Quý Mùi” nhưng cuối cùng vẫn chỉ được “cô Quý Mùi”. Trong họ lại có người an ủi: “Lo gì, còn đẻ một lần nữa, 4 năm nữa lại đến “Heo vàng””. Cho đến bây giờ, vợ chồng bạn tôi vẫn “rình” quý tử để thoả lòng gia tộc mà vẫn chưa có kết quả.
![]() |
Với sự bùng nổ dân số lứa tuổi “Heo vàng” ở các vùng trung tâm, đô thị khiến ngành GD-ĐT phải chật vật lo cơ sở vật chất. Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Hạ Long, TP Hạ Long. (ảnh minh hoạ) |
May mắn hơn bạn tôi, chị Nguyễn Thị Lành, công nhân một công ty than ở Cẩm Phả không bị áp lực sinh quý tử từ gia đình, họ hàng. Vì vậy, chưa đầy năm sau ngày cưới, chị đẻ luôn cô công chúa Ất Dậu (năm 2005). Thấy bạn bè nói chuyện nếu sinh con vào năm 2007 sẽ được “Heo vàng”, còn nếu không thì sẽ phải chờ đến năm 2012 và 2013 mới đến “Rồng vàng” và “Rắn vàng”. Vậy là mặc dù cô công chúa chưa đầy năm, chị vẫn quyết định mang thai để “đẻ liền cho ăn chắc”. Có lẽ do đẻ dày, ít có thời gian chăm bẵm nên 2 đứa nhỏ nhà chị Lành cứ còi cọc, ốm yếu. Bản thân chị Lành gầy xơ xác và già trước tuổi vì vất vả.
Chuyện chọn “năm đẹp” để sinh con, nhất là sinh quý tử như hai trường hợp kể trên không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Và chính quan niệm này đã gây ra bao rắc rối cho chính các cặp vợ chồng và ngay cả với những đứa trẻ được sinh ra vào “năm vàng”.
Và những hệ lụy
Mặc dù, ngày 1-7, các trường mới bắt đầu tuyển sinh nhưng ngay từ cuối tháng 6, chị Lành đã chạy đôn, chạy đáo lo lắng, hỏi han nộp hồ sơ xin học cho “Heo vàng” nhà chị năm nay vào lớp 1. Chị than thở: “Em nghe nói, năm nay học sinh đông lắm! Trường Tiểu học Quang Hanh năm trước còn được 3 lớp bán trú, năm nay vì không có phòng học nên rút xuống còn 1 lớp. Mà đó chỉ là dự kiến thôi, nếu đông quá có khi chẳng còn lớp nào. Không có lớp bán trú thì em chẳng biết làm thế nào, đi làm ca, kíp sao mà đưa đón cháu được. Biết thế này, em chẳng đẻ “Heo vàng” nữa””.
Tìm hiểu thực tế về số học sinh vào lớp 1 năm nay tại TP Cẩm Phả, ông Vũ Đình Nhân, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP Cẩm Phả cho biết: “Theo kết quả điều tra phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, năm học 2013-2014 này, thành phố có 3.224 trẻ 6 tuổi vào lớp 1; trong khi đó, số học sinh lớp 5 vừa ra trường niên học 2012-2013 chỉ có 2.082 học sinh. Điều này có nghĩa là số học sinh tiểu học năm học 2013-2014 đã tăng thêm khoảng 1.200 học sinh. Nếu tính bình quân sĩ số 35 học sinh/lớp, sẽ phải tăng thêm 34 phòng học nhưng thực tế, số học sinh tiểu học lại tăng rải rác ở tất cả các phường, xã trên địa bàn nên ngành sẽ phải chuẩn bị thêm 53 phòng học so với năm học trước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số dự tính vì thực tế, số học sinh sẽ còn phải tăng nữa do di dân tự do và số người chưa có hộ khẩu nên chúng tôi chưa thể điều tra”.
Theo dự kiến của Phòng GD-ĐT thành phố, cả 18 trường tiểu học trên địa bàn đều tăng từ 1 đến 4 lớp. Với thực tế cơ sở vật chất trường, lớp ở Cẩm Phả hiện có, chỉ vừa đủ phòng học mà không có phòng dư thừa thì việc làm sao để có thể bố trí thêm 53 phòng học ở các trường tiểu học quả là không đơn giản. Phòng GD-ĐT thành phố đã phải xây dựng phương án: Giảm bớt số lớp học 2 buổi/ngày và giảm số buổi/tuần đối với những lớp học không bán trú; đồng thời, phân vùng tuyển cho phù hợp với khả năng đáp ứng của các trường. Ông Vũ Đình Nhân nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi kiên quyết không duyệt tuyển sinh trái tuyến để giảm bớt áp lực cho các trường ở vùng trung tâm. Với những trường hợp, học sinh đang tạm trú trong vùng tuyển mà trường không còn chỉ tiêu tuyển sinh, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để được tuyển sinh ở trường lân cận”. Ngoài những giải pháp trên, TP Cẩm Phả cũng đang tích cực đề xuất với tỉnh, thành phố cho cơ chế hỗ trợ học sinh theo học tại trường ngoài công lập; đồng thời, yêu cầu các trường ngoài công lập phải nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng “căng” không kém Cẩm Phả, con số điều tra phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi tại TP Hạ Long cho thấy, số học sinh lứa “Heo vàng” năm nay cũng tăng thêm gần 2.000 học sinh. Bên cạnh những giải pháp như ngành GD-ĐT TP Cẩm Phả thực hiện, ngành GD-ĐT TP Hạ Long đã phải điều chỉnh vùng tuyển sinh. Tuy nhiên, giải pháp này lại không được nhiều phụ huynh ủng hộ. Các trường tiểu học ở vùng trung tâm như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo... đứng trước nguy cơ phải mượn phòng học của trường khác hoặc nhà văn hoá để tổ chức lớp học.
Ông Vũ Đình Nhân nhận định thêm: “Việc gia tăng số học sinh tiểu học này phần nhiều là do tăng dân số tự nhiên. Còn tăng cơ học rất ít, vì với riêng vùng Cẩm Phả, mấy năm gần đây tình hình phát triển kinh tế chậm lại, ngành Than gặp nhiều khó khăn thì việc di dân cũng rất ít xảy ra. Những giải pháp chúng tôi đề ra cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì việc giảm bớt số lớp học bán trú chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc của nhiều gia đình. Hơn nữa, bản thân học sinh sẽ thiệt thòi khi không được học buổi 2 để được học thêm kỹ năng, có thêm thời gian vui chơi...”.
Thực tế trên cho thấy, quan niệm chọn năm sinh của các bậc phụ huynh không biết có thể đạt được mục đích như “Trâu vàng” thì sáng suốt; “Mèo vàng” thì mưu trí, “Hổ vàng” thì có chức quyền, “Chó vàng” thì vinh hiển, “Rắn vàng” thì thông minh, dễ thăng quan... hay không. Nhưng trước mắt, những năm đến tuổi các “quý cô, quý cậu” đi học, ngành GD-ĐT phải chật vật với việc lo trường, lo lớp, lo giáo viên, còn phụ huynh thì “đứng ngồi không yên” vì lo con không có chỗ học.
Cẩm Nang