Đang mải miết gom lại những bao thóc vừa được máy gặt đập liên hợp tuốt ra, thấy chúng tôi chị Dương Thị Qua, thôn Mỹ Cụ 2, xã Hưng Đạo, quệt đi những giọt mồ hôi trên trán, vui vẻ cho hay: “Đây là năm đầu tiên tôi tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Do được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên lúa xuân năm nay phát triển tốt, đồng đều, ít sâu bệnh. Ước chừng, năng suất lúa sẽ đạt gần 70 tạ/ha. Tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn đã giúp tôi giảm đáng kể mọi chi phí cho sản xuất như lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và công lao động. Nếu như mô hình này được nhân rộng sang các cánh đồng khác sẽ là điều kiện tốt hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân chúng tôi phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
![]() |
Mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa ở Đông Triều. |
Được biết, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Hưng Đạo, các bên tham gia đã ký biên bản ghi nhớ về trách nhiệm thực hiện của mỗi bên trong việc hỗ trợ bà con nông dân thực hiện đạt kết quả cao mô hình này. Theo đó, bà con nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa ĐT37 (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ giống 30ha và 20% giá phân bón của 30ha, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh hỗ trợ 30ha và thực hiện thu mua toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường 10%, Công ty CP Vật tư, thiết bị nông nghiệp Quảng Ninh cung ứng toàn bộ vật tư, phân bón có chất lượng cao; hỗ trợ 20% phân bón cho 30ha). Ngay khi thực hiện mô hình, bà con nông dân đã được cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh tập huấn đầy đủ các quy trình kỹ thuật về ngâm, ủ giống, kỹ thuật sử dụng phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Qua theo dõi của cán bộ khuyến nông, trên cánh đồng mẫu lớn, bà con nông dân đã thực hiện gieo sạ bằng máy gieo sạ tập trung từ ngày 30-1 đến ngày 2-2; phun thuốc phòng trừ sâu bệnh tập trung, đúng thời điểm nên cây lúa sinh trưởng tương đối đồng đều, trỗ bông tập trung từ 28-4 đến 7-5. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh cho biết: “Đến thời điểm được thu hoạch, nếu so sánh giống lúa ĐT37 gieo cấy tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với giống lúa Khang dân 18 có thể nhận thấy, ĐT37 có các đặc tính đặc trưng của giống lúa cao sản như: Thời gian sinh trưởng ngắn, chiều cao cây trung bình từ 95-105cm; đường kính ống thân chính lớn, khả năng đẻ nhánh khá, bề rộng lá đòng lớn, dài bông và số hạt/bông lớn. Thực tế so sánh trên đồng ruộng cho thấy, cây lúa ĐT37 cao hơn lúa Khang dân 18 từ 5-10cm; ĐT37 có khả năng chống đổ tốt hơn; khả năng đẻ nhánh so với Khang dân 18 không có sự chênh lệch nhiều, song ĐT37 có khả năng đẻ nhánh tập trung hơn, khả năng chịu rét trong vụ xuân tốt hơn; chiều dài bông, thoát cổ bông lớn và số hạt/bông lớn hơn so với Khang dân 18. Dự kiến về năng suất, trong vụ xuân năm nay tại xã Hưng Đạo, giống lúa ĐT37 gieo cấy tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn có khả năng cho năng suất từ 68-70 tạ/ha, cao hơn so với Khang dân 18 từ 8-10 tạ/ha. Từ nay đến cuối vụ, khi bà con nông dân đã thu hoạch xong lúa xuân, Công ty chúng tôi sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm lúa của bà con với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 10%”.
Đánh giá về hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh cho hay: “Điểm khác biệt của mô hình cánh đồng mẫu lớn so với sản xuất nhỏ lẻ là ngoài việc ứng dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng, gieo vãi”. Cùng với đó, bà con nông dân còn lồng ghép ứng dụng cơ giới hoá trong khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và gắn với bao tiêu sản phẩm đã giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch. Việc áp dụng biện pháp gieo sạ bằng công cụ kéo tay, gieo vãi đã giảm 10-15% lượng giống; tăng năng suất từ 7-10%. Bên cạnh đó, do được gieo cấy, chăm sóc tập trung nên đã giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10%. Riêng việc áp dụng cơ giới hoá trong khâu thu hoạch có thể giảm chi phí được khoảng 70.000 đồng/ sào so với thu hoạch thủ công. Từ kết quả mô hình cho thấy, hiệu quả kinh tế khi áp dụng cánh đồng mẫu lớn kết hợp với các biện pháp canh tác, kỹ thuật khoa học mới vào sản xuất đã nâng cao giá trị sản xuất từ 120.000-150.000 đồng/sào, tương ứng khoảng 3,7 triệu đồng/ha.
Hữu Việt