Thứ tư, 30/04/2025, 7:00 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Hỗ trợ học sinh bán trú: Thiết thực

Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nhằm củng cố, duy trì vững chắc phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục... Đáng chú ý trong các năm 2011-2012 tại kỳ họp thứ tư và thứ năm, HĐND tỉnh khoá XII đã ban hành nhiều nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Bữa ăn của học sinh bán trú Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên).
Bữa ăn của học sinh bán trú Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên).

Phát triển mạng lưới trường, lớp học

Quảng Ninh có 113 xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, trong đó có 21 xã, 29 thôn, khe, bản đặc biệt khó khăn. Với đặc thù này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT tỉnh đã chủ động và phối hợp với các ngành trong việc phát triển mạng lưới trường, lớp học. Hiện toàn tỉnh hiện có 661 cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó bậc mầm non 209 trường (16 trường ngoài công lập); tiểu học 181 trường (1 ngoài công lập); THCS 191 trường (2 ngoài công lập); THPT 56 trường (20 ngoài công lập); còn lại là các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và trung tâm GDTX. Quy mô trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; mạng lưới trường lớp tiểu học đã đến tận các thôn, khe bản; THCS đến cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tới lớp của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập.

Cùng với việc phát triển mạng lưới trường lớp học, các loại hình trường, lớp cũng được thành lập để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng khó khăn. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo và đến nay đã thành lập được 6 trường PTDT bán trú (Quảng Sơn, Quảng Đức - Hải Hà; Hà Lâu, Phong Dụ - Tiên Yên; Đồn Đạc - Ba Chẽ; Đồng Văn - Bình Liêu), dự kiến đến năm 2015 sẽ có 13 trường. Việc thành lập các trường PTDT bán trú đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS.

Tạo điều kiện cho trẻ vùng khó đến trường

Tại kỳ họp thứ tư (năm 2011) và kỳ họp thứ năm (năm 2012) HĐND tỉnh khoá XII đã ban hành nhiều nghị quyết để kịp thời khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tới trường, nhất là học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi, biên giới, hải đảo, các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong đó các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đều mở rộng hơn so với quy định của T.Ư. Đó là Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND về việc hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng học sinh bán trú đang học tại các cơ sở giáo dục THCS trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg; mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND về việc hỗ trợ tiền ăn trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non cho đối tượng trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg và đối tượng trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo; mức hỗ trợ 120.000 đồng/trẻ/tháng. Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND về việc hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng học sinh bán trú đang học THPT, học trung cấp nghề hoặc học văn hoá THPT kết hợp với học nghề trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng (tại thời điểm ban hành Nghị quyết, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ mở rộng đến đối tượng nêu trên).

Triển khai các nghị quyết trên, UBND tỉnh đã lần lượt ban hành các Quyết định: Số 4235/2011/QĐ-UBND về hỗ trợ tiền ăn trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và hộ cận nghèo; số 4254/2011/QĐ-UBND về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú đang học THCS...; số 2026/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú đang học THPT, trung cấp nghề hoặc học văn hoá THPT kết hợp học nghề trên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết được triển khai, đi vào cuộc sống đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo điều kiện để nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, học sinh ở vùng xa xôi đi lại khó khăn được ở lại trường. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 9/14 địa phương có đối tượng học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng số 2.132 em. Tổng kinh phí cấp từ ngân sách tỉnh năm 2012 hỗ trợ cho đối tượng học sinh này là 3,1 tỷ đồng; dự kiến năm 2013 gần 3,4 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Tiêu biểu như Tiên Yên, với đặc thù là huyện miền núi, biên giới, địa hình trắc trở có nhiều sông suối, ngầm, học sinh đến trường rất vất vả, trong đó có nhiều trường hợp nhà cách trường dưới 7km (theo quy định từ 7km trở lên), nhưng học sinh không thể đi về trong ngày, nếu vận dụng theo quy định thì học sinh thuộc trường hợp trên không được hưởng chính sách hỗ trợ. Để vận động con em đến trường đầy đủ, không để học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh và gia đình, Phòng GD-ĐT huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập hội đồng xét tuyển các trường hợp cụ thể được hưởng chế độ hỗ trợ. Với cách làm này đã tạo thuận lợi cho học sinh địa phương được cắp sách tới trường và không phải nghỉ học giữa chừng, nhiều em vượt khó vươn lên đạt danh hiệu học sinh tiên tiến...

Để nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống, bên cạnh những cách làm linh hoạt, chủ động của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới các hộ dân, các đối tượng được hưởng, để kịp thời khuyến khích, động viên học sinh đến trường, góp phần ổn định an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống.

Phạm Thị Hà (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)