Rộng mở chính sách hỗ trợ vốn vay
Theo Quyết định 2009, đối tượng được hỗ trợ lãi suất vốn vay là các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và hộ gia đình vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Có 5 nội dung đầu tư được ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay là: Đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá nông nghiệp; đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc chương trình phát triển thương hiệu nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh; đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô các cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản; đầu tư tiêu thụ hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản thông qua hợp đồng của người tiêu thụ với tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Xã viên HTX Rau hoa Đồng Chè, Hoành Bồ chăm sóc vườn hoa. |
Về hạn mức vốn vay, mức lãi suất cũng đã được nêu rõ trong Quyết định. Cụ thể: Mỗi tổ chức, cá nhân vay vốn được hỗ trợ theo nhiều phương án, dự án sản xuất kinh doanh khác nhau. Mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh được hỗ trợ lãi suất có mức dư nợ tối thiểu là 50 triệu đồng, nhưng tổng mức dư nợ của các phương án, dự án sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân vay vốn tại thời điểm xét hỗ trợ lãi suất trên địa bàn một huyện, thị xã, thành phố không quá 5 tỷ đồng. Mức lãi suất được hỗ trợ bằng 50% lãi suất cho vay thương mại thấp nhất của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Ninh áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ tại thời điểm chi trả tiền lãi suất hỗ trợ. Có thể khẳng định, ở một địa phương mà nông nghiệp không phải là ngành kinh tế mũi nhọn như Quảng Ninh, thì việc tỉnh đưa ra một quyết định hỗ trợ hoạt động sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn như Quyết định 2009/QĐ-UB là một chính sách hết sức mạnh tay. Cho thấy sự quan tâm lớn của địa phương đối với khu vực này, nhằm phát triển đồng đều các ngành kinh tế, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Thế nhưng, đã gần 1 năm sau khi quyết định có hiệu lực, hiệu quả thu lại chẳng được bao nhiêu.
Vốn có nhưng khó tiếp cận
Giống như nhiều hộ gia đình khác ở Đông Triều, để mở rộng sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Dương Văn Ký, thôn An Biên, xã Thuỷ An có ý định đầu tư vốn phát triển vườn cam Đường Canh với diện tích vài ha từ lâu. Những tưởng khi có nguồn vốn ưu đãi thì con đường tiếp cận vốn của gia đình sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Anh Ký cho biết: “Được biết, tỉnh có Quyết định hỗ trợ lãi suất đầu tư, tạo điều kiện cho người nông dân chúng tôi có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ xã, tôi đã mạnh dạn làm hồ sơ xin vay vốn với số tiền 150.000.000 triệu đồng. Mọi thủ tục, giấy tờ cần thiết gia đình đã hoàn tất và gửi lên huyện xem xét. Song đã khá lâu chưa thấy thông tin gì. Để hoàn tất thủ tục đủ tiêu chuẩn đã tốn khá nhiều công sức, nhưng chúng tôi cũng không biết hồ sơ của mình có được chấp nhận không”. Qua tìm hiểu được biết, những trường hợp như hộ gia đình anh Ký không phải hiếm. Theo phản ánh của người dân, thì việc tiếp cận với nguồn vốn này rất khó khăn bởi có quá nhiều thủ tục cần thiết, trong đó có việc phải lập được dự án, phương án đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp là điều khiến người dân rất khó thực hiện. Để làm được điều này, nhiều hộ phải thuê tư vấn lập dự án với mức phí không hề thấp. Chưa kể nhiều khoản phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện. Nếu tính khoản chi phí này thì lãi suất thấp cũng không còn thấp nữa.
Thực tế, tìm hiểu sơ bộ vấn đề này tại các ngân hàng cho thấy, cũng chẳng có mấy hồ sơ vay vốn “đạt chuẩn”. Trường hợp như tại Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Quảng Ninh - đơn vị chủ lực cho vay vốn nông nghiệp nông thôn, tính đến tháng 5-2013 mới có khoảng 200 hồ sơ nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 2009. Trong khi theo ước tính ban đầu của Ngân hàng này, có thể sẽ phải giải quyết hàng ngàn hồ sơ như vậy. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ngân hàng NN&PTNT cho biết: Về trình tự thủ tục đối với các hồ sơ vay vốn của khách hàng nằm trong diện ưu đãi theo Quyết định 2009 cũng không khác gì so với các hồ sơ vay vốn thông thường tại ngân hàng. Thậm chí, do khách hàng còn bỡ ngỡ về chính sách mới, ngân hàng đã bố trí cán bộ giải thích kỹ lưỡng và tư vấn thêm cho khách để làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng thì họ thờ ơ vốn vay lãi suất thấp phần nhiều do hồ sơ giải quyết bị “ngâm” quá lâu ở cấp địa phương. Vốn phát triển sản xuất thì đang thiếu nên cũng là “cực chẳng đã” họ mới phải bỏ qua lãi suất vay ưu đãi mà chấp nhận vay với lãi suất niêm yết tại ngân hàng thôi.
Rõ ràng, với việc quy định rất rõ ràng về đối tượng vay vốn, đầu tư lĩnh vực sản xuất cũng như thủ tục hoàn thiện hồ sơ, các địa phương sẽ không mấy khó khăn trong việc vận dụng vào thực tế để giải quyết cho người dân. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, các địa phương mới chỉ hoàn thành việc khái toán nhu cầu vay vốn, tổng số vốn của người dân nằm trong quyết định. Thiết nghĩ, để một chính sách có thể đi vào thực tiễn, hơn ai hết, cấp chính quyền, cơ quan chức năng phải là những đơn vị có trách nhiệm giám sát và phản ánh nhanh nhất. Nếu không, dù có là quyết sách hay thì mãi mãi vẫn chỉ “hay trên giấy tờ”. Thời gian thực hiện Quyết định 2009 vẫn còn rất dài, hy vọng, trong thời gian tới đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các đơn vị chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh, tất cả người dân, doanh nghiệp nằm trong diện được thụ hưởng chính sách này đều có thể cầm tận tay vốn giá rẻ.
Hồng Nhung