![]() |
Triển lãm ảnh về phòng chống bạo lực gia đình tại Hội thảo thực hiện kế hoạch thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2013-2018, do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại TP Hạ Long, tháng 5-2013. |
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, nên đã chỉ đạo các hoạt động hướng mạnh về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Với hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, các cấp hội đã đi sâu phổ biến cho chị em các nội dung về: Truyền thống gia đình Việt Nam; những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em; kiến thức nuôi dạy con, phòng chống tội phạm và TNXH… Hội chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, hoà giải về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc cho đội ngũ cán bộ hội; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, giao lưu, nói chuyện chuyên đề về “Nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc gia đình”, “Nuôi dạy con theo lứa tuổi”, “Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Vai trò của người phụ nữ và gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em phòng chống tội phạm và TNXH”, “Hạnh phúc gia đình”… Qua đó, đã giúp chị em hiểu sâu sắc về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, từ đó khuyến khích hơn nữa sự tham gia của phụ nữ thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh thực hiện Đề án 343 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Đề án gồm 4 tiểu đề án, trong đó Hội LHPN tỉnh phối hợp chủ trì thực hiện Tiểu đề án 1 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước trong cán bộ, hội viên, phụ nữ giai đoạn 2010-2015”. Công tác tập huấn, tuyên truyền triển khai Tiểu đề án này được hội phụ nữ chú trọng phối hợp triển khai. Hội đã tổ chức lớp tập huấn cho 70 cán bộ chủ chốt của hội và một số đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố. LĐLĐ tỉnh và Tỉnh Đoàn chủ trì 2 lớp tập huấn cho 60 cán bộ nữ công, cán bộ đoàn các địa phương, cán bộ nữ một số doanh nghiệp trên địa bàn. Tại các địa phương được lựa chọn thực hiện điểm Đề án là Ba Chẽ, Hạ Long và Quảng Yên, đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho gần 400 cán bộ hội cơ sở. Các cấp hội triển khai cuộc thi viết “Những tấm gương đạo đức phụ nữ tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, đến nay đã có trên 350 bài viết gửi về T.Ư Hội LHPN Việt Nam. Hội còn biên soạn, in trên 2.000 cuốn bản tin hoạt động hội làm tài liệu sinh hoạt, trong đó tập trung vào nội dung giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; tổ chức hội thi, hội thảo về “Phụ nữ truyền thống và hiện đại”, “Vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội”, phẩm chất “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”…
Đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” cũng được các cấp hội chú trọng triển khai. Hội đã tổ chức đào tạo giảng viên chủ chốt là cán bộ hội huyện, thị xã, thành phố, nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, như tâm lý từng lứa tuổi, chăm sóc bà mẹ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi con dưới 5 tuổi, kỹ năng sống; tổ chức các lớp tập huấn của Đề án cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Hội cũng biên soạn và in hơn 5.000 cuốn tài liệu “Nuôi, dạy con tốt” phát cho các chi hội, tổ phụ nữ trên địa bàn làm tài liệu sinh hoạt và học tập… Qua đó, chị em đã có thêm nhiều kiến thức trong việc giáo dục, nuôi dạy con; góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em; hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức, pháp luật, mắc TNXH ở trẻ vị thành niên… Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền thực hiện Đề án, đã góp phần thay đổi hành vi của người dân, nhất là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Nhân rộng các mô hình
Đồng chí Vũ Liên Oanh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian qua Hội đặc biệt quan tâm chỉ đạo duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình CLB phụ nữ. Các CLB đã đóng vai trò chủ lực trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục truyền thống gia đình Việt Nam, cách đối nhân, xử thế, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, giúp chị em xây dựng gia đình “4 chuẩn mực”…
Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 CLB các loại, gần 300 chi hội nòng cốt thực hiện và chấp hành pháp luật, thu hút hàng chục ngàn hội viên, phụ nữ tham gia. Các cấp hội còn chú trọng xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch” gắn với chương trình xây dựng NTM. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ chị em xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Đầu năm nay, có 348 chi hội đăng ký thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”. Tại nhiều địa phương còn ra mắt và duy trì hoạt động hiệu quả của mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng đô thị văn minh”. Hoạt động của các mô hình đã giúp chị em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con em; cho trẻ em đến trường đúng độ tuổi; vận động người thân không phạm tội và mắc TNXH; thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch… Hội cũng phát huy hiệu quả 20 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế. Nhiều hội viên, phụ nữ vùng sâu, xa đã xoá bỏ những tập tục canh tác lạc hậu, kém hiệu quả, tích cực áp dụng những tiến bộ KHKT vào SXKD… Nhiều phụ nữ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào SXKD giỏi, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” trong các cấp hội phụ nữ ngày càng đi vào chiều sâu, hoạt động có hiệu quả; góp phần giúp chị em nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình phát triển bền vững.
Nguyễn Huế