Thứ tư, 30/04/2025, 3:09 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Hoành Bồ còn nhiều khó khăn

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/BTV của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, trong những năm qua, huyện Hoành Bồ đã rất nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.



Ngay sau khi có Nghị quyết, BTV Huyện uỷ Hoành Bồ đã có nghị quyết chuyên đề và kế hoạch cụ thể đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Để công tác khuyến học, khuyến tài được thiết thực hiệu quả, nhanh chóng xây dựng thành công xã hội học tập, năm 2006, Hội Khuyến học huyện Hoành Bồ đã được thành lập. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đã thành lập Hội cấp cơ sở với trên 6.100 thành viên; 40 dòng họ khuyến học; 5 hội đồng hương khuyến học và 35 chi hội khuyến học. Trong đó, nhiều chi hội, có những gia đình, 100% thành viên tham gia. Trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều dòng họ hiếu học, tiêu biểu như: Họ Lý (thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn); họ Tạ, họ Nguyễn, họ Từ (xã Sơn Dương); họ Giáp, họ Trương, họ Vũ (xã Quảng La)… Hội cũng tích cực vận động học sinh khó khăn, học sinh bỏ học tiếp tục đến trường; kịp thời động viên, khen thưởng giáo viên dạy tốt để họ yên tâm gắn bó với nghề; khen thưởng các học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Huyện Hoành Bồ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 01-NQ/BTV với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ngày 31-5 vừa qua.
Huyện Hoành Bồ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 01-NQ/BTV với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ngày 31-5 vừa qua.

Với phương châm “cần gì học nấy”, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) huyện Hoành Bồ đã có những thay đổi tích cực. Các trung tâm HTCĐ đã tiến hành điều tra nhu cầu học tập của nhân dân, từ đó có kế hoạch mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, góp phần tích cực thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ. Hiện tại, một số trung tâm HTCĐ đã trang bị được những thiết bị học tập hiện đại như: Máy vi tính, máy ảnh, tủ sách riêng… Trong 3 năm, từ 2011 đến 2013, các trung tâm HTCĐ của huyện Hoành Bồ đã mở và phối hợp mở được hơn 220 lớp tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân các kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn như: Lớp kỹ thuật nuôi các loại con vật hiệu quả, năng suất cao; trồng các giống cây mới; tuyên truyền về sức khoẻ cộng đồng; thêu trang phục truyền thống của người Dao… Theo đồng chí Phạm Nho, Bí thư Huyện uỷ Hoành Bồ, mặc dù đã có được những chuyển biến như vậy nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người dân và chưa tạo được phong trào học tập trên diện rộng trong toàn huyện, nhất là ở các xã miền núi, vùng cao và dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất và các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, văn hoá còn hạn chế. Hiện nay, trên thực tế, hầu hết các trung tâm HTCĐ vẫn còn phải hoạt động nhờ vào sự hỗ trợ của UBND cấp xã, khi mở một lớp tập huấn thì các Trung tâm này phải mượn hội trường, máy chiếu, loa đài. Nhiều Trung tâm vẫn chưa mở được tài khoản riêng nên chưa chủ động được trong hoạt động tài chính. Cán bộ quản lý của Trung tâm đa phần là kiêm nhiệm nên hoạt động của nhiều trung tâm chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tam, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Hoành Bồ: “Hiện nay, chưa có cơ chế hỗ trợ, trả lương cho các cán bộ quản lý của Hội Khuyến học cấp cơ sở nên hoạt động của nhiều hội cấp xã rơi vào tình trạng cầm chừng”. Được biết năm 2011, sau khi được công nhận là Hội đặc thù, các đồng chí lãnh đạo Hội Khuyến học là người đã về hưu được hưởng chế độ phụ cấp theo mức lương tối thiểu đã góp phần động viên tinh thần làm việc của cơ sở. Tuy nhiên, đến năm 2012, khi cơ chế này không thực hiện nữa đã gây ra những khó khăn do những người tham gia hoạt động khuyến học phải tự lo kinh phí và không có tiền trợ cấp hàng tháng.

Không thể phủ nhận những kết quả mà Hoành Bồ đã đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/BTV của BTV Tỉnh uỷ. Tuy nhiên, do những nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan đã tạo ra những “rào cản” cho việc thực hiện lộ trình xây dựng xã hội học tập ở đây. Vì vậy, thời gian tới huyện cần có tham mưu cho tỉnh những cơ chế, chính sách theo đặc thù của địa phương để tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập.

Hoàng Trình