Trên địa bàn huyện Hoành Bồ hiện có 7 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các cơ sở chế biến đều có quy mô nhỏ, máy móc lạc hậu, sử dụng công nghệ băm dăm là chính, sản phẩm gỗ ít và chất lượng không cao.
Điều đáng nói là tuy được đánh giá có nguồn nguyên liệu lớn nhưng rừng trồng ở Hoành Bồ vẫn chưa đủ cung cấp cho các cơ sở chế biến. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Bình Thuận là ví dụ. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, cụ thể là có nhà máy băm gỗ dăm tại thị trấn Trới. Hàng năm, Công ty nhận nguồn nguyên liệu từ Công ty Lâm nghiệp Hoành Bồ với khoảng 4.000ha gỗ keo. Tuy nhiên, số lượng gỗ keo này không đủ cho công suất của nhà máy. Công ty phải thu mua nguồn nguyên liệu từ các hộ dân với giá cả bấp bênh, chất lượng không đồng đều. Thu mua gỗ từ nhiều nguồn nhưng nhà máy vẫn chỉ hoạt động 30% công suất. Bình quân mỗi tháng băm 3.000 tấn dăm tươi, doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm. Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Điều khó khăn nhất đối với chúng tôi hiện nay là thiếu nguồn nguyên liệu. Đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở chế biến khác. Do thiếu nguyên liệu nên có sự cạnh tranh về giá cả. Nhiều khi các cơ sở tự phá giá để có nguồn nguyên liệu sản xuất. Điều này có lợi cho người dân nhưng lại gây khó cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn…”.
![]() |
Chế biến gỗ keo tại Công ty Cổ phần Bình Thuận. |
Hiện nay, Hoành Bồ vẫn tập trung phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nguyên liệu vẫn thiếu, nhiều cơ sở phải đặt mua gỗ từ huyện Ba Chẽ hoặc các tỉnh ngoài như: Thái Nguyên, Hoà Bình, Vĩnh Phú. Do vậy, trong thời gian tới, huyện phát triển công nghiệp chế biến bằng cách không phát triển thêm nhiều cơ sở chế biến mà kêu gọi đầu tư mạnh hơn, quy củ hơn vào các cơ sở đang tồn tại, hoạt động. Thêm vào đó, huyện tiến tới giảm dần các sản phẩm sơ chế để đầu tư phát triển công nghệ chế biến sâu, chế biến các sản phẩm cuối cùng nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Ngoài chế biến lâm sản, Hoành Bồ đang có định hướng tập trung vào chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất đồ uống, thức ăn chăn nuôi trong những năm tới. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra là từ năm 2015 đến 2020, huyện phải xây dựng được một cơ sở xử lý rau quả sơ bộ sau thu hoạch với công suất khoảng 20 tấn/ngày. Xây dựng một cơ sở giết mổ tập trung nhằm ổn định đầu ra và kích thích sản xuất phát triển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi. Lấy ví dụ về con nhím ở Hoành Bồ. Hiện số lượng nhím được nuôi khá nhiều nhưng đầu ra cũng bấp bênh. Nếu có một cơ sở giết mổ, chế biến nhím để đưa ra thị trường những sản phẩm thịt nhím sạch, đóng gói sẵn, người tiêu dùng chỉ việc mua về nấu thì sẽ là cơ hội để phát triển ổn định nghề này.
Như vậy, đối với công nghiệp chế biến, Hoành Bồ cần tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa để những lợi thế, tiềm năng của địa phương có cơ hội phát triển mạnh như mong muốn.
Hoàng Quý