Thứ sáu, 02/05/2025, 13:08 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Học nghề rồi mới hành nghề

Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và phát triển rất tốt, đến nay đã có hơn 40 nước áp dụng mô hình này. Ở Quảng Ninh, chương trình này bắt đầu được đưa vào gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thì người nông dân vẫn còn phải học rất nhiều thứ.



Đường Hoa là xã thuần nông, 100% hộ dân đều trồng lúa. Sau mỗi vụ gặt lượng rơm rạ rất nhiều, ước đến hàng nghìn tấn. Đây là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất nấm rơm. Chính vì thế, nghề trồng nấm rơm ở xã đã có “đất” phát triển từ năm 2009. Thời kỳ đầu, xã có 30 hộ trồng. Cứ 1 tạ rơm, khi làm nấm sẽ cho trung bình từ 50-70kg nấm rơm, nấm mỡ. Cũng thời kỳ này, nấm được bán với giá gần 30.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ để bán cho bà con trong xã. Người dân sung sướng vì rơm trước đây chỉ mang ra đốt làm phân bón ruộng, khói rơm mù trời ảnh hưởng môi trường, vậy mà bây giờ rơm lại ra tiền, ra bạc. Cứ thế, số hộ trồng nấm ở Đường Hoa đã phát triển lên tới 100 hộ. Thêm người làm mà thị trường thì không mở rộng nên nấm bày bán ê chề ở chợ chẳng có người mua. Vì thế, nhiều người chán nghề. Bây giờ cả xã chỉ còn lẻ tẻ vài hộ trồng nấm.

Tương tự vậy, người dân xã Phú Hải (huyện Hải Hà) mở mô hình nuôi nghêu trên diện tích 200ha bãi triều. Ban đầu chỉ có 32 hộ nuôi, bà con được những mùa nghêu thắng lợi, nhưng khi xã phát triển lên đến 80 hộ nuôi thì nghêu lại bị nhiễm bệnh mà chết vì mật độ nuôi quá dày. Có năm nghêu được mùa mà người nuôi nghêu vẫn lao đao vì nhà nào cũng nuôi nghêu mà tuổi thọ của nghêu từ tuổi thu hoạch đến lúc bán ra thị trường lại quá ngắn.

Năm 2003, Dự án FAO đã hỗ trợ 64 con nhím giống nuôi thử nghiệm tại các xã Đồng Sơn, Tân Dân, Đồng Lâm, Hoà Bình (Hoành Bồ) để từ đó được nhân lên hàng trăm hộ trên địa bàn huyện. Sau đó nhím nuôi đã phát triển lan sang cả các địa phương khác như: Đông Triều, Vân Đồn, Hải Hà v.v.. Có thời điểm giá nhím giống tăng đến mức khủng vài chục triệu đồng/đôi nhím và vài triệu đồng/kg nhím giống hơi. Nhưng chỉ có điều, gần chục năm triển khai dự án, việc nuôi nhím cứ đi vào vòng luẩn quẩn. Người này bán giống cho người kia, trong khi sản phẩm cuối cùng để đến với người tiêu dùng là nhím thịt, nhưng giá lại quá đắt, chẳng ai dám ăn. Nếu bán rẻ tương ứng với các loại thực phẩm khác thì người nuôi sẽ lỗ vì giá giống cao. Vậy là nghề nuôi nhím ở các địa phương cũng cứ đuối dần và nhiều hộ cũng nản.

Từ chuyện trồng nấm rơm ở Đường Hoa đến chuyện nuôi nghêu ở Phú Hải, rồi chuyện nuôi nhím ở Hoành Bồ mới thấy, để làm được “Mỗi làng một sản phẩm” thì ngoài việc gắn những sản phẩm với đặc điểm, điều kiện ở địa phương ấy người nông dân cần phải nắm được quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng, phát triển những sản phẩm ấy. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải là người “cầm cân nảy mực” trong việc quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu và quan trọng nhất là tìm được thị trường ổn định cho đầu ra của sản phẩm. Một điều nữa mà người nông dân đừng quên, đó là cần phải có kỹ năng nắm bắt nhu cầu của thị trường trước khi quyết định đầu tư nuôi con gì, trồng cây gì.

Anh Vũ