Thứ tư, 30/04/2025, 6:55 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Học theo sách báo để làm giàu

Học tập kinh nghiệm từ sách báo để làm giàu một cách bền vững đang là hướng đi mà nhiều nông dân huyện Tiên Yên tìm đến. Câu chuyện về “sư phụ ong” Tằng Sinh Pẩu, thôn Khe Muối, xã Yên Than, huyện Tiên Yên, đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng thành công cách làm hay học được từ sách báo để vươn lên làm giàu đã cho thấy sách báo đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống người nông dân.

Sở dĩ nông dân Tằng Sinh Pẩu được người dân trong xã gọi là “sư phụ ong”, bởi ông không chỉ là người tiên phong phát triển mô hình kinh tế này mà ông còn rất am hiểu về loài ong. Chỉ cần nhìn cầu sáp, ông có thể “bắt bệnh” và tìm ra cách để trị bệnh cho ong. Ông nuôi ong rất khéo, mật lấy ra luôn đảm bảo chất lượng. Ông bảo: “Nuôi ong lấy mật không khó, song lại khá vất vả”.

“Sư phụ ong” Tằng Sinh Pẩu đang lấy mật từ sáp ong.
“Sư phụ ong” Tằng Sinh Pẩu đang lấy mật từ sáp ong.

Nghề nuôi ong đến với ông cũng rất tình cờ, khi một người bạn Trung Quốc tặng cho ông quyển sách dạy nuôi ong. Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông đã bỏ không ít công sức để tìm hiểu thêm về việc nuôi ong qua sách báo. Nhận thấy lợi thế địa phương có nhiều rừng, thuận lợi cho đàn ong phát triển, ông đã quyết định đầu tư cho nghề nuôi ong. Thời điểm bấy giờ, nghề nuôi ong mật ở huyện Tiên Yên chưa phát triển nên việc tìm mua ong giống không dễ dàng. Ông đã phải lặn lội vào tận rừng sâu để tìm tổ, sau đó đưa chúng về thuần tại nhà. Ông bảo: “Thuần ong tưởng là dễ nhưng thực tế rất khó, chỉ cần sơ sẩy chút ít là ong sẽ vỡ tổ hoặc tấn công người…”. Đến nay, gia đình ông có gần 20 thùng ong lấy mật, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông đã có “của ăn, của để”. Để đàn ong nuôi tại gia đình cho mật đạt chất lượng, ông tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu các loại sách báo; theo dõi thông tin trên truyền hình, nhất là các gương về nông dân làm kinh tế giỏi, nông dân làm giàu để bổ sung, thay đổi cách làm, cách nuôi. Không dừng lại ở nuôi ong, ông còn phát triển thêm nghề rừng, đưa các giống cây mới cho năng suất cao vào trồng. Hiện nay, gần chục ha rừng keo của gia đình ông đã chuẩn bị cho thu hoạch; hơn 3.000m2 diện tích đất nông nghiệp đã được bón vôi bột và đưa giống cây mới vào trồng…

Từ cách làm của ông Pẩu, rất nhiều gia đình trong xã đã tìm đến để học, làm theo và ông đều hướng dẫn, giúp đỡ tận tình. Ông Pẩu chia sẻ: “Cái quan trọng nhất của người làm kinh tế là phải quyết tâm, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, thường xuyên cập nhật thông tin qua sách báo, truyền hình về những ứng dụng mới để áp dụng vào chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, bỏ thói quen sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống…”. Cũng từ sự giúp đỡ tận tình của ông, đã có nhiều người dân trong xã mạnh dạn tìm đến các lớp, các chương trình đào tạo, hướng dẫn nuôi trồng để tìm hiểu, học hỏi cách làm và đặc biệt rất say mê tìm hiểu qua sách báo. Nhờ vậy, đời sống người dân ở Yên Than đã được cải thiện, tạo diện mạo mới cho khu vực miền núi còn nhiều khó khăn này.

Đỗ Phương