Thứ sáu, 02/05/2025, 8:25 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Hướng về đảo Trần

Trong đám đông dự hội nghị hôm ấy, có một phụ nữ khá hoạt bát, sôi nổi. Nhìn chị, tôi nhận ra ngay chị là Nguyễn Thị Cảnh. Vì đã không ít lần chị là nhân vật chính trong các phóng sự của Báo Quảng Ninh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH Quảng Ninh...

Gia đình chị Cảnh hiện là hộ duy nhất sống ở đảo Trần. Chị người gốc thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà). Còn chồng chị - anh Hoàng Văn Hiển, quê gốc huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng). Hai người gặp nhau trên biển khi cùng làm thuê cho chủ tàu đánh bắt hải sản. Biển cả đã trở thành điểm hẹn giúp họ tìm đến nhau và thành vợ, thành chồng. Ban đầu họ dùng thuyền làm nhà, đi đi, về về. Đến năm 2005, họ quyết định định cư ở đảo Trần lâu dài. Thời điểm ấy, nhiều người nghĩ vợ chồng chị “có vấn đề”, vì người ta muốn về phố không được, vợ chồng chị lại từ phố đưa nhau ra đảo hoang để sinh sống. Mà cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm xuôi, khi ốm, khi đau rồi chuyện học hành của con cái ở đảo thì biết xoay xở ra sao? Kệ, họ nói cứ nói, vợ chồng chị vẫn quyết định “ra đảo”. Cuộc sống của anh chị cũng “xuôi chèo mát mái” từ ngày đó đến nay. Hàng ngày chị Cảnh trồng rau, nuôi gà, tranh thủ ra bãi biển trước nhà bắt con ngao, con hến. Còn anh Hiển thì ra khơi đánh cá, câu mực... Số hải sản bắt được, anh, chị gom lại gửi về đất liền bán, rồi mua gạo mắm, quần áo, thuốc men… đem ra ngoài đảo duy trì cuộc sống. Từ chỗ hàng ngày lênh đênh trên sóng nước, bây giờ vợ chồng chị đã xây được nhà kiên cố, mua được máy phát điện, lại có tủ lạnh để giữ thực phẩm tươi. Chị Cảnh cười tươi nói: “Vợ chồng tôi rất vui khi sắp có thêm những người hàng xóm. Chúng tôi sẽ hết lòng xây dựng cộng đồng dân cư sống đoàn kết cùng nhau bám biển, bám đảo”.

Các hộ dân tình nguyện ra đảo đang tìm hiểu Phương án Quy hoạch Khu dân cư đảo Trần.
Các hộ dân tình nguyện ra đảo đang tìm hiểu Phương án Quy hoạch Khu dân cư đảo Trần.
Đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân (huyện Cô Tô), có diện tích tự nhiên khoảng 4,4km2, là hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc; có vị trí chiến lược ở Vịnh Bắc Bộ. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, việc vận động bà con ra đảo Trần sinh sống làm ăn phát triển kinh tế đang được tích cực triển khai. Hiện đã có 30 hộ tình nguyện đủ điều kiện được ra đảo Trần “sinh cơ lập nghiệp”. Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo chính sách hỗ trợ di dân ra đảo Trần do Ban chỉ đạo Đề án vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống vừa được tổ chức tại huyện Hải Hà, tôi đã gặp họ. Tuy mới chỉ lần đầu tiếp xúc nhưng chúng tôi đã cảm nhận được tấm lòng của họ.

Ngoài chị Cảnh, chúng tôi còn ấn tượng với người thanh niên có khuôn mặt đen sạm nắng, thân hình rắn rỏi. Anh là Nguyễn Thế Hùng, thôn Nam, xã Phú Hải (huyện Hải Hà) là một trong số 30 người đã có đơn tình nguyện ra định cư tại đảo Trần. Hùng năm nay 35 tuổi, là chủ hộ của gia đình nhỏ với 3 thành viên, vợ chồng anh và con. Gia đình anh đang chuẩn bị đón thành viên thứ 4. Tôi hỏi: “Hùng không lo sao, khi vợ sinh con trên đảo?”. Hùng cười: “Tôi cũng được sinh ra ở trên đảo Cô Tô đấy”. Theo lời kể của anh, anh sinh ra trong gia đình đã mấy đời làm nghề chài lưới. Khi mẹ mang bầu anh, bà vẫn thường xuyên đi biển. Trong một lần, bố mẹ anh ghé vào đảo Cô Tô và sinh ra anh ở đấy. Khi lớn lên anh nối nghiệp cha làm nghề chài lưới. Những ngày tháng lênh đênh đánh cá xa nhà, anh cũng thường xuyên ghé đảo Trần. Anh cho hay: “Ở khu vực đảo Trần nhiều cá, tôm, mực, ghẹ lắm, hơn hẳn Phú Hải quê tôi. Sở dĩ biển ở đây hải sản dồi dào như vậy, vì đảo Trần không có người dùng kích điện, lưới săm, hay nổ mìn đánh bắt hải sản. Mà đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo giữ biển đảo rất tốt. Sau này khi là cư dân trên đảo Trần, nếu được tôi cũng rất muốn góp phần giữ biển, giữ đảo, ngăn chặn những hành động phá hoại ngư trường. Tôi đã từng rong ruổi nhiều nơi, đánh bắt hải sản ở nhiều vùng, nên tôi rất hiểu về giá trị của việc gìn giữ môi trường. Môi trường biển càng tốt thì người ngư dân chúng tôi mới càng nhiều cơ hội làm giàu”.

Trò chuyện với anh Phạm Văn Dinh, thôn 1, xã Vĩnh Thực (TP Móng Cái), cũng là đại diện các hộ dân tình nguyện ra đảo Trần. Tuy chưa chính thức định cư trên đảo nhưng mỗi tháng, anh Dinh cũng có tới 15 ngày có mặt ở đảo. Anh làm nghề chạy đò, cứ thứ hai hàng tuần anh chở đò đưa các cán bộ, chiến sĩ từ đảo Vĩnh Thực đến công tác trên đảo Trần, rồi thứ sáu anh lại đưa họ trở về Vĩnh Thực. Anh Dinh cười: “Tôi sẽ cố gắng phục vụ bà con đi lại giữa đất liền với đảo xa và chuyên chở hàng hoá từ cái kim, sợi chỉ… từ đất liền ra phục vụ bà con trên đảo”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Hiện nay, huyện Cô Tô và các đơn vị chức năng của tỉnh đang cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con khi họ đến đây sinh sống. Chẳng hạn như: Họ sẽ được hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục và được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp ấy, trên đảo cũng sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp cầu tàu, âu tàu neo đậu tránh gió, bão, đường giao thông khu dân cư, điện sinh hoạt, nhà văn hoá, trường tiểu học, trạm y tế v.v.. Nói chung, chúng tôi sẽ cố gắng rút ngắn dần khoảng cách đất liền với đảo xa để người dân yên tâm bám đảo phát triển kinh tế”.

Công Thành