Bé Quách Đại Nam, phường Yên Giang, TX Quảng Yên là một trong những đối tượng khuyết tật được chăm sóc theo mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng. Nam sinh năm 2006, là con độc nhất của chị Nguyễn Thị Chuyên. Lúc mới sinh ra, Nam phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng khi được 2 tuổi, em bắt đầu có triệu chứng lên cơn co giật, co rút người lại. Những triệu chứng này ngày càng nặng lên. Gia đình đã quyết định đưa em đi khám, bác sĩ kết luận em bị bệnh bại não. Cũng từ đó, Nam phải nằm lại một chỗ, chân tay teo tóp, mọi sinh hoạt từ ăn, uống, vệ sinh đều phải có người giúp đỡ, phục vụ.
![]() |
Bác sĩ của Trung tâm Y tế TX Quảng Yên phối hợp với gia đình hướng dẫn kỹ thuật tập phục hồi chức năng cho bé Đại Nam. |
Theo chị Chuyên, ngày trước, việc chăm sóc vệ sinh ăn uống cho Nam rất vất vả. Gia đình lại không biết cách xoa bóp chân tay nên Nam nằm bất động. Nhưng kể từ khi tham gia mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, gia đình đã được các cán bộ y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị xã thường xuyên tới hướng dẫn thực hiện cách vệ sinh thân thể, tập luyện sức khoẻ cho Nam ngay tại gia đình. Cùng với đó, 2 lần/ tháng Nam còn được nhân viên y tế trực tiếp đến nhà xoa bóp, thao tác vật lý trị liệu. Nhờ vậy, chân tay của Nam đã phát triển đều và cứng cáp hơn… Chị Chuyên phấn khởi nói: “Các cô chú thấy đấy, trước cháu chỉ nằm một chỗ, không ai nghĩ giờ cháu có thể tập đi được xe đạp, xe mà gia đình tự làm có giá đỡ đằng sau cho cháu khỏi ngã khi tập đi. Cháu còn hay nói, hay cười, ánh mắt nhanh nhẹn, linh hoạt hẳn lên. Đặc biệt, cháu đã hiểu được những gì chúng tôi nói. Muốn đi vệ sinh, cháu cũng biết gọi mẹ. Tuy còn chậm nhưng đáng mừng lắm rồi”.
Không chỉ có bé Nam mà hầu hết các trẻ khuyết tật trên địa bàn TX Quảng Yên đều có những tiến bộ rõ rệt. 100% trẻ khuyết tật nhẹ dạng khoèo, cong tay, chân đã cử động linh hoạt, vững vàng hơn; trẻ khuyết tật nặng như: Bại não, bị dị tật về sống lưng, đốt sống cổ sức đề kháng đã được nâng cao, ít bị viêm nhiễm các bệnh thông thường, tinh thần và thể chất trẻ dễ chịu, thoải mái hơn. Trước đây, hầu hết các bậc cha mẹ trẻ khuyết tật chưa thực sự nắm được những kỹ năng vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ cho con mình; thậm chí, vì thiếu kiến thức chăm sóc trẻ khuyết tật nên nhiều gia đình còn duy trì những thói quen không khoa học, làm ảnh hưởng đến tiến trình cải thiện bệnh tật của trẻ như: Không dám cho trẻ tham gia các hoạt động vận động, ít cho trẻ ra ngoài trời... Thế nhưng từ khi tham gia mô hình, các gia đình đã nâng cao nhận thức, biết cách thực hiện các kỹ năng có tác động tốt cho trẻ khuyết tật, giúp trẻ phần nào phục hồi chức năng. Anh Nguyễn Văn Thiện, bác sĩ trực tiếp tham gia mô hình nhận định: “Đến thời điểm này các gia đình trẻ đã tiếp nhận những kỹ năng chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ trẻ phục hồi chức năng rất tốt. Điều này đã tác động tích cực, giúp cải thiện sức khoẻ của trẻ khuyết tật và tạo nên hiệu quả của mô hình”.
Chị Trần Thị Thu Thuỷ, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thị xã cho biết: “Hiện nay, TX Quảng Yên đang có hướng đầu tư nhân rộng mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng. Để mở rộng và phát triển sâu hơn nữa mô hình này, chúng tôi đã tăng số lượng trẻ được tham gia mô hình, đồng thời đầu tư hơn nữa về nhân lực cũng như thiết bị y tế hỗ trợ trẻ phục hồi chức năng... Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 35 trẻ khuyết tật tham gia mô hình”.
Thiết nghĩ, để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ khuyết tật được hưởng lợi, có cơ hội cải thiện bệnh tật, mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng cần được nhân rộng không chỉ trên địa bàn TX Quảng Yên mà trong phạm vi toàn tỉnh. Được biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục triển khai mô hình này ở TP Hạ Long.
Lưu Linh