Người trồng và gắn bó với rừng nổi tiếng nhất nhì ở Hoành Bồ phải kể đến ông Triệu Tài Cao (xã Tân Dân). Cả đời gắn bó với rừng, hiện ông sở hữu một cánh rừng với khoảng 3.000 cây bầu dó; trong đó, gần 800 cây trên 20 năm tuổi và hơn 100 cây gỗ lim già cùng rất nhiều cây khác như: Dổi, trám, sến, táu... Trước, ông có hơn 20ha rừng, sau ông chia cho các con chăm giữ, chỉ giữ lại cho mình khoảng 5ha. Cánh rừng của ông Cao với nhiều cây gỗ quý khiến bao người thèm muốn. Cánh buôn gỗ, thậm chí cả người Trung Quốc thường xuyên qua lại nhà ông xin mua gỗ. Có người còn trả tiền tỷ để mua cả cánh rừng. Vậy nhưng ông từ chối tất cả chỉ bởi, ông trồng rừng không phải vì tiền. Điều ông muốn là giữ được những cánh rừng nguyên sinh cho đời con, đời cháu sau này. Ông tâm sự: “Nhờ có rừng mà cuộc sống của gia đình ổn định, các con lấy vợ, ở riêng cũng xây dựng được nhà cửa đàng hoàng”. Nói chuyện với con cháu hay đám thanh niên trong thôn, ông đều động viên, rằng: “Bây giờ mới 20, 30 tuổi, các cháu nên trồng cây, gây rừng. Chỉ 20 năm sau, tức là ngoài 40 tuổi, các cháu sẽ có những khoảnh rừng xanh tốt, cũng đồng nghĩa với việc có tiền, có thu nhập…”.
![]() |
Ông Vũ Minh Thường (bên trái) đánh giá vườn keo của gia đình. |
Không có điều kiện trồng được gỗ quý, chăm giữ lâu năm như ông Triệu Tài Cao, nhưng rất đông các hộ dân có rừng ở Hoành Bồ đều tích cực trồng, chăm sóc rừng nhà mình. Đa số các gia đình đều trồng cây keo bởi loài cây này vừa lớn nhanh, vừa dễ chăm mà thời gian thu hoạch lại ngắn. Ông Vũ Minh Thường, thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương cũng nằm trong số ấy. Năm 1993, gia đình ông được giao 8ha rừng. Ông trồng hết keo tai tượng. 6 năm sau, ông thu hoạch keo. Toàn bộ số keo thu được đều bán làm gỗ chống lò với giá 20 triệu đồng/ha. Thời điểm năm 1999 đó là số tiền khá lớn, giúp ông trang trải được khá nhiều việc. Số tiền này còn giúp ông tiếp tục đầu tư trồng lứa keo mới. Năm 2005, rừng keo lại cho thu hoạch. Lần này keo được bán để làm giấy với giá 50 triệu đồng/ha. Cầm trong tay số tiền 400 triệu đồng, ông Thường xây ngay ngôi nhà 3 gian khang trang rộng rãi. Lứa keo trồng ngay sau đó đến năm 2013 này đã có thể cho thu hoạch nhưng ông Thường “để dành” vì kinh tế gia đình đã ổn định, chưa có việc gì cần đến số tiền lớn. Ông Thường khẳng định: Trồng rừng mang lại thu nhập lớn nhất đối với đa phần hộ dân làm nông lâm nghiệp ở xã ông. Riêng với gia đình ông, ngoài tiền thu được từ trồng rừng như “của để dành” thì ông vẫn còn thời gian để chăn nuôi, trồng trọt, tăng thêm thu nhập.
Trồng rừng không chỉ mang lại thu nhập cho các hộ dân có rừng mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác. Mỗi mùa trồng mới hoặc mùa thu hoạch, một ha rừng sẽ cần nhiều lao động làm thuê. Như chị Đặng Thị Mai, thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm có 3ha rừng trồng keo. Mỗi năm chị đều phải thuê vài chục nhân công để phát thực bì. Thêm vào đó, chị còn làm nghề ươm cây keo giống. Từ năm 2007 đến nay, chị bán khoảng 400.000 cây keo giống/năm. Những ngày mùa vụ, chị còn thuê đến 10 lao động làm bầu, trồng cây, tưới cây keo giống. Thu nhập từ rừng và ươm keo giống khá ổn định, giúp cho gia đình chị có của ăn của để. Chị Mai cho biết: “Rừng là nguồn thu chính và chủ yếu của gia đình. Không làm nghề rừng thì gia đình không biết làm gì, không biết dựa vào đâu…”.
Hoàng Quý