Thứ tư, 30/04/2025, 6:15 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Khống chế mất cân bằng giới tính khi sinh: Khó ở khâu nhận thức

Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đến hết năm 2012, Quảng Ninh là một trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất toàn quốc (115 bé trai/100 bé gái). Nguy cơ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng sẽ diễn ra trong tương lai ở các địa phương trong tỉnh. Trước thực trạng này, Quảng Ninh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.



Gia đình anh Lê Văn Tiết, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái là một trong những hộ gia đình sinh nhiều con trai nhất trên địa bàn xã. Mặc dù, gia đình anh đã có 5 người con trai, nhưng anh vẫn đang “nuôi” ý định sinh tiếp đứa thứ 6. Anh chia sẻ: “Tôi là con cả trong gia đình nên phải có đứa con trai để nối dõi tông đường. Gia đình lại sống dựa vào nghề đi biển, đẻ con gái “sức yếu tay mềm” chẳng nhờ cậy được gì, nên cứ phải đẻ được con trai, nó mới có sức khoẻ đi biển nuôi sống gia đình. Mà càng nhiều con trai càng tốt. Vợ chồng tôi đều làm tự do không có lương hưu, sau này về già không đứa này thì đứa khác chăm sóc nuôi dưỡng”. Trong khi đấy, chị Hoàng Thị Nhân, vợ anh Tiết đầy khắc khổ, gầy gò, ốm yếu, rụt rè nói: “Tôi cũng không muốn sinh nhiều như vậy, nhưng cứ chiều theo ý chồng. Chồng bảo đẻ là đẻ thôi. Đã đẻ là phải đẻ con trai. Có lần tôi mang thai nhưng siêu âm là con gái, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải bỏ. Điều kiện gia đình đã khó khăn, không có tiền nuôi chúng ăn học. Sau này, chúng lập gia đình cũng chẳng biết lấy đất đâu để xây nhà cho chúng”.

Cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TP Hạ Long phát tờ rơi tuyên truyền về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân làng chài Cửa Vạn, TP Hạ Long.
Cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TP Hạ Long phát tờ rơi tuyên truyền về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân làng chài Cửa Vạn, TP Hạ Long.

Những tưởng câu chuyện như của gia đình anh Tiết ở thời xưa mới có nhưng thực tế hiện nay vẫn không hiếm gặp. Hiện Móng Cái là một trong những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất trên địa bàn tỉnh với tỷ số giới tính khi sinh năm 2012 là 117,6 bé trai/100 bé gái (tiếp sau Móng Cái là Đầm Hà, Tiên Yên, Hoành Bồ; các huyện, thị xã, thành phố còn lại đều đang ở mức cao từ 110 bé trai/100 bé gái đến 116 bé trai/100 bé gái). Theo chị Hoàng Thị Xuyến, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP Móng Cái, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố là do người dân vẫn còn nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, mong muốn phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Mặt khác, chế độ an sinh xã hội chưa được bảo đảm, đặc biệt đối với người cao tuổi dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn con gái. Con trai sẽ là người chăm sóc bố mẹ khi về già nên ai cũng muốn có con trai. Bên cạnh đó, ở Móng Cái, nhận thức của người dân về hậu quả và hệ luỵ của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình, xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn, người dân Móng Cái sống bằng nghề nông - lâm - ngư nghiệp nên bà con vẫn nặng quan niệm, phải đẻ con trai mới đủ sức khoẻ để đi biển, lo việc đồng áng, gánh vác công to, việc lớn của gia đình, dòng họ. Thêm nữa, hiện nay, dịch vụ siêu âm, chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai trên địa bàn thành phố cũng phát triển nhanh như nấm theo nhu cầu của người dân. Có những trường hợp khi mang thai đến tháng thứ 3, thứ 4, phát hiện thai nhi là gái, họ không ngần ngại phá bỏ, sẵn sàng chờ đợi mang thai những lần sau. Anh Lê Đình Trọng, Trưởng ban DS-KHHGĐ xã Vĩnh Thực (TP Móng Cái) cho biết: “Mặc dù Trạm Y tế xã đã thường xuyên cử cộng tác viên dân số đến từng gia đình để tuyên truyền, giải thích vận động, nhưng để thay đổi được tư duy của họ không phải một sớm một chiều”...

Phải khẳng định rằng, phong tục tập quán lạc hậu, chính sách xã hội chưa đảm bảo; các dịch vụ y tế tiên tiến (siêu âm phát hiện giới tính) là những nguyên nhân chính dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Đứng trước thực trạng đó, vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đề xuất Sở Y tế tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương. Trong đó, việc tuyên truyền hiệu quả tới từng gia đình, từng cá nhân, để thay đổi suy nghĩ về định kiến “trọng nam, khinh nữ” luôn là một biện pháp quan trọng nhất. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được chú trọng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc tăng cường quy mô chất lượng lực lượng cộng tác viên cơ sở, cần có kế hoạch đưa vấn đề giới tính vào các chương trình giáo dục, để ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em sẽ có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới; tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động DS-KHHGĐ.

Lưu Linh