Thứ ba, 29/04/2025, 14:47 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Không làm nhanh, e sẽ muộn...

Hiện nay, người Dao là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất ở Quảng Ninh. Cùng với đó, kho tàng văn hoá truyền thống của dân tộc Dao cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, nhất là văn hoá phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán, ca dao dân ca v.v.. của dân tộc Dao ở Quảng Ninh đang gặp không ít khó khăn...



Dân ca của người Dao ở Quảng Ninh rất đa dạng và phong phú. Nội dung những bài ca ấy bám sát vào nhiều lĩnh vực cuộc sống, gắn với những hoạt động thường nhật của bà con. Người Dao có thể hát bất kỳ lúc nào, khi lên rừng, đi nương, làm rẫy, hát giao duyên, hát tỏ tình, hát ở hội làng, trong đám cưới, trong khi mừng nhà mới v.v.. Dân ca người Dao là một loại hình nghệ thuật độc đáo, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhưng hiện nay lại đang đứng trước nguy cơ mai một, cần được bảo tồn kịp thời.

Nam nữ người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, Hoành Bồ) sửa soạn cho tiết mục hát giao duyên trong hội làng đầu xuân 2013.
Nam nữ người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, Hoành Bồ) sửa soạn cho tiết mục hát giao duyên trong hội làng đầu xuân 2013.

Theo chị Trương Bích Hường, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hoá (Sở VH-TT&DL), người đã có nhiều năm tìm hiểu về đề tài này, cái khó của việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca người Dao bây giờ là rất ít người nghe và hiểu được dân ca Dao. Các cụ già biết hát thì còn lại không nhiều và đa phần các cụ không thạo tiếng Kinh nên cũng không thể dịch lời hát ra tiếng phổ thông được. Thêm nữa, người Dao nói và hát khác xa nhau. Thế nên, người biết tiếng Dao cũng chưa chắc đã hiểu dân ca Dao. Người Dao hiện tại không có văn tự của dân tộc mình nên muốn ghi lại lời hát thì phải dùng chữ viết ký âm theo tiếng Kinh, sau đó nhờ các cụ giải thích rồi viết lại nghĩa bằng tiếng phổ thông. Một số thầy mo, thầy cúng xưa nay vẫn chép lại những bài hát nhưng lại bằng chữ Hán ghi theo âm tiếng Dao v.v.. Đã thế, lối dùng chữ Hán để ký âm tiếng Dao cũng khác với chữ Hán Nôm của người Kinh… Nói tóm lại, việc dịch các bài hát từ tiếng Dao ra tiếng phổ thông là rất phức tạp; rất dễ dẫn đến sai sót về nội dung ngữ nghĩa. Chị Hường cho biết, hồi còn là một phát thanh viên bản tin tiếng Dao ở Đài PT-TH Quảng Ninh, nhiều lúc chị “dở khóc dở cười” vì “bí từ” không thể dịch bản tiếng Kinh sang tiếng Dao…

Khó là vậy nhưng nếu không sưu tầm và ghi lại thì nguy cơ những bài ca dao, dân ca của người Dao sẽ ngày một mai một. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh, cho rằng: “Dân ca người Dao là loại hình văn hoá phi vật thể quý giá cần được bảo tồn và phát huy. Nếu bây giờ không tìm cách bảo tồn thì e đến một lúc nào đó sẽ quá muộn. Bởi những nghệ nhân lưu giữ di sản này đang dần ra đi, về với tiên tổ, mang theo vốn quý ấy”. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Hội VNDG Quảng Ninh đang xúc tiến xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể, trong đó có kho tàng văn nghệ dân gian. Và cũng theo ông Vinh, để làm được điều đó, cần phải giúp mọi người hiểu hơn, yêu hơn dân ca Dao, tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; phải dựa vào cộng đồng để tổ chức sưu tầm, nghiên cứu càng sớm càng tốt; đưa loại hình này vào trong các phong trào văn nghệ quần chúng và đào tạo đội ngũ kế cận lưu giữ được giá trị ca dao dân ca người Dao…

Huỳnh Đăng

Tin mới hơn: