Lần đầu tiên, nghe được người có trách nhiệm nói giữa trời Hà Nội, sướng tai quá, nhà báo nhoay nhoáy bấm máy chuyển tin nóng bỏng về toà soạn. Báo ra chạy hàng tít lớn “Mất hơn trăm triệu mới thành công chức”. Phát hành, báo chưa ra đến sạp, toà soạn đã dồn dập nhận được tin phản hồi. Những người gọi vào đường dây nóng không nhân danh ai, tổ chức nào (chắc phải là người có quyền) mà gay gắt quát hỏi:
- Ai mất tiền? Ai ăn của đút? Chứng cứ đâu? và họ yêu cầu đối chất với người viết tin.
- Ông Chủ nhiệm UBKT nói giữa hội trường lớn - Người của toà soạn trả lời.
- Nói trong hội nghị nó khác. Mồm với mồm bằng không. Các anh phô phang với thiên hạ nói xấu việc thi tuyển. Các anh phải chịu trách nhiệm!
- Chúng tôi đã sẵn sàng. Báo đã in, giấy trắng mực đen như thế thì có ai thay trách nhiệm của chúng tôi!
Người của toà soạn nói cứng thế nhưng cũng đã hiểu, tìm được kẻ ăn tiền thật không dễ. Dù biết rằng, ăn tiền đâu chỉ trong việc thi cử. Tham nhũng, hối lộ đã là chuyện thường ngày, tiền bây giờ là dầu mỡ bôi trơn trong nhiều công việc. Nhưng ai tham nhũng? Ai hối lộ? Hối lộ cho ai? Thì thật khó trả lời. Chuyện mất tiền mới thành công chức ở Hà Nội vẫn còn đang là dự án treo.
Vẫn trong chuyện thi công chức này, một đồng nghiệp khác, ở một tờ báo khác kể chuyện ngược lại, báo không chê mà khen. Báo ấy ra chạy hàng tít: “Thạc sĩ, tiến sĩ thi công chức vẫn trượt”. Tít tin rút như thế là để ngầm hiểu rằng thi cử rất kỷ cương, nghiêm túc.
Đăng thế, chắc mẩm nhà báo sẽ được “ăn ngon, ngủ yên”. Bởi tin không động đến con người cụ thể, hay chuyện tiêu cực nào. Không ngờ một thạc sĩ (vốn là thí sinh) kéo theo mấy người bạn đến toà soạn chất vấn ban thư ký. Chường tờ báo ra trước mặt, chỉ vào cái tin đã đăng, thạc sĩ hắng giọng hỏi:
- Đăng thế này mà bảo là nói đúng sự thật. Sự thật là chúng tôi mới ra trường không có tiền để thi. Thạc sĩ nói rồi nhăn mặt bỏ đi. Mấy anh trong ban thư ký toà soạn đứng như trời trồng.
Thế đấy, làm báo thời nay thật khó. Chê đã rất khó mà khen cũng không dễ. Nói sự thật mà chưa chắc đã đúng. Khen chê trên mặt báo đã thành sức ép đè nặng hai vai.
Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ, một câu chuyện thật đã xảy ra. Trong đời sống có hàng ngàn, hàng vạn chuyện to lớn hơn mà nhà báo phải thường xuyên gặp gỡ tiếp nhận, thường xuyên phải viết bài, đưa tin. Báo không thể ngừng in, đài không thể ngừng phát. Làm báo là phải làm ngày làm đêm, phải tính đến từng giây từng phút. Tin chậm là thiu, là cũ còn ai muốn nghe, muốn đọc. Nghiệt ngã, căng thẳng thế nhưng biết làm sao! Đã mang cái nghiệp vào thân chỉ còn cách rút kinh nghiệm và an ủi nhau phải cố gắng nhiều hơn nữa. May mà một năm còn có một ngày để bạn đọc và cả xã hội chia sẻ.
Vũ Điều
(Nguyên thường trú Báo Nhân Dân tại QN)