Thứ tư, 30/04/2025, 12:16 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Làm chủ thị trường ở những khu vực nhiều tiềm năng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai thực hiện trong hơn 3 năm qua đã mang lại những hiệu ứng tích cực và những kết quả đáng khích lệ. 14/14 huyện, thị xã, thành phố triển khai tuyên truyền tới tận thôn, làng, bản để người dân hiểu rõ mục đích cuộc vận động.

Đặc biệt để đưa hàng Việt về nông thôn, hàng loạt chuỗi sự kiện với hình thức phiên chợ “đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao” đã được tổ chức trong năm 2012. Tuy nhiên, có một thực tế đáng bàn, đó là bên cạnh những hiệu ứng tích cực đạt được khi đưa hàng Việt về nông thôn thì một thị trường tiêu thụ tiềm năng từ phía người công nhân, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp, công nhân ngành Than dường như đang bị bỏ ngỏ.

Công ty CP May Quảng Ninh - một trong số ít những đơn vị tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Công ty CP May Quảng Ninh - một trong số ít những đơn vị tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Theo số liệu thống kê của LĐLĐ tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 350.000 CNVC-LĐ. Đây đang được coi là thị trường tiềm năng có sức tiêu thụ rộng lớn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ thì đa phần người lao động vẫn mua hàng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc do có lợi thế về giá cả và mẫu mã. Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Mai Hương, công nhân Công ty TNHH Sợi hoá học Thế kỷ mới (KCN Cái Lân) cũng như nhiều công nhân khác cho biết: “Chúng tôi cũng rất muốn sử dụng hàng Việt Nam vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng hàng Việt hiện nay nếu giá rẻ thì mẫu mã lại xấu và ngược lại. Với thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/ tháng nên chúng tôi chủ yếu mua hàng ở những hàng quán ven đường, đồ giảm giá ở chợ... trong khi đó, sản phẩm “made in Việt Nam” đều bán trong các shop, siêu thị mà nơi đó, ít khi chúng tôi vào”. Cùng với lý do đồng lương eo hẹp, chị Nguyễn Thị Thi, công nhân Phân xưởng làm sạch, Công ty Đóng tàu Hạ Long cho biết, chị và một số người cùng phân xưởng thường mua các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, đồ gia dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc vì hàng Việt Nam không có chỗ đứng trong các chợ truyền thống. Theo ghi nhận của chúng tôi, khi được hỏi về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì chị Hương, chị Thi cũng như nhiều công nhân khác đều hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, nhưng phần lớn đều cho biết, họ khó mà hưởng ứng khi cơ hội tiếp cận hàng Việt Nam với mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp không có nhiều.

Tìm hiểu về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hoá hoạt động tuyên truyền cổ động, để các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng về cuộc vận động này. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh. Hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt về bán ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và tiếp tục xây dựng thương hiệu cho hàng hoá, dịch vụ của tỉnh…”.

Như vậy, có thể thấy rằng thị trường tiêu dùng ở các khu công nghiệp, khu vực tập trung lượng lao động lớn như ngành Than lại chưa được nhắc đến nhiều. Thiết nghĩ, để hàng Việt gần hơn với người lao động và đảm bảo tính bền vững của cuộc vận động, thì Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như các ban, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cần tăng cường việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, khu vực tập trung nhiều lao động. Đặc biệt là việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khảo sát thị trường, đổi mới công nghệ, công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ bán hàng... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc lựa chọn sản phẩm với mẫu mã đa dạng, hạ giá thành sản phẩm theo thị hiếu của từng vùng và phù hợp với thu nhập của người công nhân để có thể từng bước làm chủ được thị trường ở những khu vực nhiều tiềm năng này.

Hoàng Thu