Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang là một trong những chủ đề “nóng” nhất, được cử tri và nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đặc biệt quan tâm. Trong hai ngày 3 và 4/6, Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Đây là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng lớn, dân chủ và sôi nổi nhất từ trước tới nay với hàng triệu ý kiến góp ý tâm huyết của các tầng lớp nhân dân.
Lịch sử lập hiến Việt Nam qua 4 bản Hiến pháp, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi nhất, ý kiến nhiều chiều nhất. Chỉ trong vòng 4 tháng, đã có trên 26 triệu lượt ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Hàng chục vạn bản dự thảo được các đơn vị, địa phương in ấn, phát hành rộng rãi đến từng hộ dân như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hàng nghìn bài báo, tham luận, phát biểu, phỏng vấn, tin tức liên quan đến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đăng tải trên các loại hình báo chí.
Không ai có thể phủ nhận sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Một vị nguyên là lãnh đạo cấp cao nhận xét: “Chưa bao giờ việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân lại có kết quả đáng chú ý như vậy. Đây là một bước tiến mới về thực hành dân chủ”.
Đó cũng là sự kế thừa trong việc hoàn thiện hiến pháp kể từ khi xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên ở nước ta năm 1946. Mặc dù trong hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài” vô cùng khó khăn, chính quyền cách mạng còn non trẻ, nhưng bản dự thảo Hiến pháp 1946 đã được chính thức công bố trên báo in và gửi đến các làng, xã để thu thập ý kiến nhân dân.
Thông cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa nêu rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà nên Chính phủ công bố bản dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và tự do bàn bạc, phê bình”.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thu nhận được nhiều ý kiến nhân dân là nhờ trình độ dân trí được nâng cao so với trước đây, cùng với sự bùng nổ của truyền thông và các mạng xã hội. Đặc biệt, người dân đã nhận thức rõ hơn về một bản Hiến pháp dân chủ với nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”; về các quyền cơ bản của họ được ghi nhận, trong đó có quyền sống, quyền lao động, học tập, làm việc, quyền được pháp luật bảo vệ và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó cũng chính là trí tuệ, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của nhân dân Việt Nam.
Nhiều ý kiến tâm huyết từ các vị tướng lĩnh từng vào sinh ra tử; từ các nhà khoa học dày công nghiên cứu, chắt lọc tinh hoa Hiến pháp các nước trên thế giới, đến tầng lớp doanh nhân, những cán bộ nghỉ hưu, công nhân, nông dân, tiểu thương và lực lượng vũ trang … Có những ý kiến khác nhau về một vấn đề trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng đa số đều có chung mong muốn: Hiến pháp là ý chí, nguyện vọng của dân, phục vụ lợi ích của dân.
Con số 26 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp chắc chắn chưa hết, nên việc tập hợp, tiếp thu và chọn lọc cần hết sức tỉ mỉ, công phu để có được kết quả tốt nhất. Bởi thực tế chứng minh, đây là diễn đàn rộng rãi để các ý kiến được trao đổi, tranh luận, tìm ra lý lẽ thuyết phục nhất. Chính bởi vậy, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ba lần yêu cầu Ban soạn thảo “phải thật lòng trong tổng hợp, lắng nghe, tiếp thu góp ý của dân”.
Còn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bản Tổng hợp kiến nghị của cử tri trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5: “Cử tri kiến nghị Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nếu điểm nào không tiếp thu thì Ban soạn thảo cũng phải lý giải rõ cho người dân được biết, những vấn đề có ý kiến khác nhau cần tiếp tục thảo luận, làm rõ”.
Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và các Đại biểu Quốc hội khóa 13 đang gánh vác một trọng trách hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Đó là thay mặt cử tri và nhân dân cả nước sửa đổi Hiến pháp 1992 với rất nhiều nội dung mới. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự lắng nghe và kỹ năng tiếp thu ý kiến của các đại biểu để cho ra đời một bản Hiến pháp có chất lượng, thể hiện đúng nguyện vọng của đại đa số cử tri và nhân dân cả nước.
Theo VOV