Thứ tư, 30/04/2025, 9:58 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Lao đao nghề muối Cô Tô

Những cánh đồng muối bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều ô nề lâu ngày không được tu bổ bị nước mưa cuốn trôi nham nhở… Diện tích đất làm muối đang bị thu hẹp lại, giá cả bấp bênh đã và đang khiến nhiều người dân làm muối ở khu 1, thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô) đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề.

Chúng tôi tìm về cánh đồng muối khu 1, thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô) vào một ngày nắng ráo đẹp trời nhưng cánh đồng muối không một bóng người, chỉ thấy hun hút những ngôi nhà núp ở phía sau. Không khí nhộn nhịp của vùng muối lớn nhất huyện Cô Tô như bị xua đi bởi sự im ắng đến lạ thường.

Ruộng muối khu 1, thị trấn Cô Tô lâu ngày không được tu bổ.
Ruộng muối khu 1, thị trấn Cô Tô lâu ngày không được tu bổ.

Nghề làm muối ở Cô Tô đã có từ nhiều đời nay, trở thành nghề truyền thống một thời thịnh vượng, phát triển song hành cùng ngành đánh bắt thuỷ hải sản của huyện đảo này. Năm 1990, hơn chục hộ gia đình ở Thái Bình di dân ra đảo Cô Tô đã lập nghiệp với nghề làm muối thì 6 năm sau, HTX Muối Cô Tô được thành lập với gần 20 hộ làm nghề với tổng diện tích sản xuất muối lên đến hơn 32 sào. Vượt qua những khó khăn ban đầu, năm 2006, HTX đầu tư hơn 170 triệu đồng mua sắm trang thiết bị làm muối hiện đại; tập huấn nâng cao kỹ thuật để sản xuất muối tinh; đưa hệ thống chạc vào giữa ruộng để bỏ qua công đoạn xe cát vào chạc, nước lọc trực tiếp vào bể rồi dẫn ra các ô phơi. Nhờ hệ thống này, HTX đã tiết kiệm được chi phí và nhiều nhân công lao động cùng một lúc, sản lượng muối tăng từ 50 tấn lên gần 100 tấn/năm. Nhưng chỉ được vài năm sau đó, do thời tiết thất thường, giá muối bấp bênh khiến nghề làm muối ở đây lao đao. Diện tích làm muối ngày một thu hẹp lại từ 32 sào xuống còn hơn 20 sào. Chị Tạ Thị Dung, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Phát triển nghề làm muối ở Cô Tô có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ cho sơ chế hải sản, làm mắm, chế biến cá khô… Nghề muối ở đây có nhiều tiềm năng để phát triển, chúng tôi muốn mở rộng diện tích làm muối nhưng không có vốn để làm”.

Có thể nói, Cô Tô với những lợi thế sẵn có như độ mặn nước biển cao, truyền thống làm muối lâu đời, thị trường tiêu thụ lớn, đáng ra nghề làm muối phải phát triển tương xứng với những lợi thế đó. Thế nhưng, thực tế diêm dân vẫn lao đao vì nghề, nhiều hộ không còn mặn mà nữa đã bỏ nghề đi làm việc khác. Chị Nguyễn Thị Nhóc, khu 1, thị trấn Cô Tô đã gắn bó với nghề muối gần 20 năm tâm sự: “Nghề này vất vả và cơ cực lắm, ngày nắng thì không sao, mưa bất ngờ xuống coi như công sức mất trắng. Trước đây, khu này nhiều hộ làm muối, nhưng giờ chỉ còn gần 10 hộ còn bám trụ với nghề. Giá cả lại bấp bênh quá, có năm giá muối rớt thê thảm, chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, muối làm ra không bán được. Chúng tôi mong sao chính quyền các cấp cần có sự quan tâm hỗ trợ vốn để diêm dân tiếp tục bám trụ, sống được với nghề làm muối”.

Để nghề muối ở Cô Tô “sống lại”, thiết nghĩ cần có cơ chế ưu đãi hỗ trợ về vốn vay để diêm dân tiếp tục phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, có quy hoạch cụ thể vùng làm muối, đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại với hệ thống khu vực nhà xưởng, kho bãi, hệ thống bơm, tiêu thoát nước được trang bị đồng bộ…

Phạm Tăng (CTV)