Thứ 5, 01/05/2025, 23:42 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Một thuở rạ rơm

Nghỉ hè. Bao giờ mẹ cũng gửi về quê bà nội. So với việc bị khoá cửa nhốt cả ngày trong nhà thì về quê thật sung sướng vô cùng. Một vài lần đầu mẹ đưa về tận nơi. Những dịp sau, mẹ đèo xe đạp đến bến tàu thuỷ dẫn xuống tàu tìm đúng ghế rồi gửi gắm hành khách bên cạnh. Trước đó, mẹ đã tìm cách liên lạc về quê, thông báo cho các chú giờ tàu chạy để mọi người ra bến đón. Cứ theo cách gọi bây giờ của giới trẻ thì ngày ấy đã có “phượt” với một đứa trẻ hơn mười tuổi đầu.



Quê - những ngày hè nắng vàng rực trên cánh đồng. Chỉ mất vài buổi đầu rụt rè, ngài ngại vì chưa quen bạn nhưng sau mấy buổi theo người lớn ra đồng nhuộm da đen bóng thì chẳng còn ai nhận ra người lạ mới đến làng. Cũng quần xắn quá gối, tay cầm liềm, tay ôm bó lúa như người nông dân chính hiệu. Sau gặt, một thú vui mà bọn trẻ con vừa thích vừa hay lấy “làm sĩ” với nhau là việc đi mót thóc. Đứa mót được nhiều, sẽ thể hiện sự oách bằng việc giữa trưa nắng gọi một đám lau nhau đồng lứa ra bu quanh ông kem mút. So với cả đống thóc vun đầy sân thì rổ thóc mót của bọn trẻ con chẳng đáng gì. Chắc thế nên không người lớn nào quan tâm.

Kem mút quả là ngon thật, lại rất đã vào lúc đang háo vì nắng nóng. Quê ngày ấy cũng chưa có điện lưới như bây giờ. Nhưng, vẫn còn một cái khoái “đỉnh” hơn là vặt trộm thóc nếp. Bọn trẻ họp bàn: Bắt được trẻ lạ, lại ở thành phố về, người ta không nỡ phạt. Chúng ra lệnh: Đứa nào là người mới ở đây, đứa ấy phải đi trộm. Có gãi đầu, gãi tai có sợ hãi thực sự nhưng vẫn có một chút thinh thích khi đám bạn quê bày cách. Này nhé, đúng lúc trưa, khi nắng to nhất thì ra đồng. Đi phải sát vào vạt lúa, rồi quơ tay tuốt nhanh, thả túi quần. Khi nào đầy đi tới chỗ hẹn trút ra rồi tiếp tục... Cũng may, cái túi quần ngày ấy cũng bé, chứ mà ba gang như con đại bàng chỉ dẫn thì có lẽ... Túm thóc nếp ấy cứ đến tối là thơm lừng sân đình. Cả bọn chí choét ngồi cắn cắn, nhằn nhằn rồi quay ra trêu chọc hay chơi mấy trò trẻ con.

Hết cấp hai cũng đồng nghĩa với việc không còn ngày hè ở quê nữa. Học hành nhiều thêm. Lại còn các em bé. Nhưng bạn quê thì vẫn nhớ mặt, nhớ tên từng đứa... Bây giờ có lần gặp lại, không còn hồn nhiên theo kiểu túm năm tụm ba góc sân đình xưa ngồi cắn thóc. Mà sân đình cũng chẳng còn nữa. Làng đã đô thị hoá nhiều năm.

Bắc Cung