Sau khi Bộ NN&PTNT phát động xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 3-2011, nhiều tỉnh đã áp dụng và triển khai xây dựng mô hình này. Ở Quảng Ninh, với việc triển khai cánh đồng mẫu lớn vụ xuân năm 2013 tại các xã Hưng Đạo và Bình Dương (Đông Triều), bước đầu cho thấy: Năng suất tăng, tiêu thụ ổn định, chất lượng đồng nhất, giảm chi phí trung gian nên từ đó đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.
Với quyết tâm xây dựng mô hình đạt được những mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị ký kết giữa các đơn vị: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Quảng Ninh, địa phương và người sản xuất. Qua đó, phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện giữa các đơn vị trong việc cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, phân bón đúng đủ kịp thời; kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, kịp thời đề xuất giải pháp khi có vấn đề bất thường xảy ra và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân (nếu có nhu cầu).
![]() |
Ứng dụng lồng ghép cơ giới hoá, một trong những ưu điểm của cánh đồng mẫu lớn. |
Mô hình tại xã Hưng Đạo có diện tích 60ha với sự tham gia của hơn 400 hộ nông dân xã. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn đầy đủ quy trình kỹ thuật, được hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón. Cả cánh đồng được bà con gieo cùng giống lúa ĐT17, là giống có giá trị kinh tế cao hơn so với lúa KD18 hiện đang được cấy trên diện rộng tại địa phương là 244.000 đồng/sào (tương đương 6.832.000 đồng/ha).
Sau 4 tháng mô hình được triển khai, chúng tôi đến Đông Triều đúng dịp nông dân ở xã Bình Dương và xã Hưng Đạo đang bước vào mùa gặt. Vào mùa thu hoạch, các tuyến kênh mương hai bên kết hợp thành đường giao thông nội đồng càng phát huy tác dụng khi xe máy, xe cải tiến, máy gặt đập liên hợp có thể vào đến tận ruộng giúp người nông dân thu hoạch, vận chuyển lúa về nhà. Không khí ngày mùa càng nhộn nhịp khi trên cánh đồng 60ha rộn ràng tiếng máy, tiếng nói cười hân hoan, phấn khởi của bà con nông dân trước một mùa vàng bội thu.
Cánh đồng mẫu lớn Đông Lâm (xã Bình Dương) được huyện chọn làm thí điểm trong vụ xuân 2013 để nhân diện rộng. Cánh đồng này được nông dân trong thôn dồn đổi từ hơn 400 thửa ruộng nhỏ thành 170 thửa ruộng lớn với diện tích quy hoạch gần 22ha và nằm trong vùng đê bao thuỷ lợi khép kín. Tổng kinh phí đầu tư mô hình là 1,5 tỷ đồng, trong đó địa phương đối ứng gần 670 triệu đồng. Khi được hỏi về hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn, vợ chồng bà Phạm Thị Coi ở thôn Đông Lâm phấn khởi cho biết: “Nhà tôi cấy hơn 4 sào. Trước kia khi chưa quy vùng cánh đồng mẫu lớn, thì thửa ruộng nhà tôi và các hộ khác bờ ruộng rất to, cỏ mọc um tùm, vận chuyển lúc thu hoạch thì rất khó khăn. Nhưng từ khi có cánh đồng mẫu lớn, chăm bón thuận tiện hơn, phân bón chở đến tận đầu bờ, chỉ việc vác xuống ruộng bón, gặt bằng máy cũng chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ là xong”. Chị Đinh Thị Hiền, hộ có ruộng liền kề, vui vẻ nói: “Nhà tôi cấy 7 sào. So với giống lúa KD18 cấy mọi năm, thì giống lúa năm nay cho năng suất cao hơn, ít sâu bệnh hơn. Thực hiện mô hình, các hộ đều cấy cùng một loại, nên hạn chế được sâu bệnh, thu hoạch đồng loạt vì lúa chín đồng đều...”.
Đồng chí Ngô Thành Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Triều chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình: Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một hướng sản xuất phù hợp và là “con đường ngắn nhất” trong xây dựng NTM, nên ngay từ đầu vụ xuân 2013, huyện đã tập trung triển khai xây dựng mô hình này tại một số địa phương trong huyện với nhiều hình thức. Đồng đất của Đông Triều có đặc thù riêng là ruộng không bằng phẳng, vì vậy huyện không cầu toàn trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là phải san bằng các ruộng như nhau, mà tập trung vào quy hoạch thành một cánh đồng lớn để sản xuất cùng một loại cây trồng và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Một kết quả đặc biệt trong thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn là đã tiết kiệm được rất nhiều diện tích vì phá bỏ những bờ thửa trước đây và mỗi một gia đình cách nhau chỉ là một hàng lúa nên việc chăm sóc và vận chuyển rất thuận lợi. Điểm khác biệt của mô hình này so với các mô hình sản xuất lúa trước đây là bên cạnh ứng dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng, kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng, gieo vãi”, còn ứng dụng lồng ghép cơ giới hoá (máy làm đất, máy gặt đập liên hợp) trong khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và gắn với bao tiêu sản phẩm. Mô hình không những giúp nông dân giảm lượng giống sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn làm giảm đáng kể lượng lúa thất thoát trong khâu thu hoạch. Cùng với hiệu quả kinh tế, cánh đồng mẫu lớn được đánh giá là một mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả xã hội và môi trường cao. Việc triển khai mô hình giúp giảm công lao động, giải phóng được sức lao động, giảm áp lực lao động mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa. Đồng thời từng bước hiện thực hoá sự liên kết 4 nhà theo chỉ đạo chung của Chính phủ và của tỉnh. Kỹ thuật bón phân hợp lý, giảm lượng phân đạm, nên không gây ô nhiễm môi trường; giống lúa ít sâu, bệnh hại nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trang Linh - Thu Chung (CTV)