Thứ tư, 30/04/2025, 14:38 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Nghề vệ sĩ

“Đơn điệu, buồn tẻ nhưng cũng không ít hiểm nguy...” là những điều mà hầu hết những người vệ sĩ cảm nhận về nghề. Thế nhưng, nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ (hay còn gọi là nghề vệ sĩ) vẫn được xếp vào hàng một trong những nghề “hót” hiện nay...

Lực lượng vệ sĩ của Công ty CP Dịch vụ thương mại bảo vệ chuyên nghiệp 135 tham gia tuần tra tại Carnaval Hạ Long 2013.
Lực lượng vệ sĩ của Công ty CP Dịch vụ thương mại bảo vệ chuyên nghiệp 135 tham gia tuần tra tại Carnaval Hạ Long 2013.

Buồn, vui chuyện nghề

Khu biệt thự đường bao biển Cột 5 nằm trầm mặc dưới cái nắng hè oi ả. Lâu lắm mới lại được khuấy lên bởi tiếng của những chiếc cánh cổng sắt rít lên mở ra cho những chiếc xe ô tô sang trọng lao vút đi hoặc đỗ xịch trước khoảnh sân nhỏ được bài trí cơ man nào là cây cảnh, hòn non bộ... Khung cảnh ấy có lẽ đã quá quen thuộc với anh Lê Văn Hoàn, nhân viên của Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Vũ Hùng (địa chỉ tại khu 9, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) nên anh tỏ ra không mấy bận tâm nhưng ánh mắt thì lia nhanh một vòng. Dừng lại trước vẻ chăm chú, tò mò của tôi, anh Hoàn cười bảo: “Tớ là mắc bệnh nghề nghiệp đấy. Đến bất cứ chỗ nào, gặp ai cũng láo liên để quan sát cách ăn mặc, cử chỉ... Giờ có thể xem được cả tướng mạo, nhìn ai ngay, ai gian là biết ngay”.

Anh Hoàn năm nay chừng ngoại ngũ tuần nhưng khá nhanh nhẹn, hoạt bát. Không biết có phải do làm nghề vệ sĩ hay không nhưng nét đặc biệt nhất của anh là đôi mắt sáng, lanh lẹn. Sự cường tráng, to khoẻ của anh như càng được tôn thêm trong bộ trang phục xanh dương đặc trưng của người vệ sĩ. Đưa mắt hướng về phía ngôi biệt thự nằm ở phía góc đường, anh chậm rãi kể: “Nghề vệ sĩ gian nan, vất vả, lại nay đây mai đó và thường xuyên vắng nhà. Nghề này, bất kì lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm, đặc biệt khi các đối tượng hình sự, đối tượng say rượu trong đêm đến gây khó dễ. Không ít lần tớ và các đồng nghiệp bị các đối tượng kéo đến gây sự và đe doạ sau khi cố ngăn không cho chúng đột nhập vào ngôi nhà cạnh mục tiêu Công ty nhận bảo vệ”. Cũng theo chia sẻ của anh Hoàn, nghề vệ sĩ không nặng nhọc, nhưng vất vả vì phải thức đêm không lúc nào được rời mục tiêu “Chẳng may sơ ý, mất đồ của thân chủ, làm cả năm không đủ tiền đền. Mùa hè không sợ nóng nhưng sợ nhất là muỗi. Còn mùa đông lại sợ cái rét cắt da, cắt thịt, thấu đến tận xương” - anh Hoàn bộc bạch.

Cùng ca trực với anh Hoàn, còn có một vệ sĩ nữa tên là Tuấn Anh. Trái ngược với vẻ chắc nịch của người đồng nghiệp lớn tuổi, Tuấn Anh trông mảnh mai và thư sinh. Nếu không có bộ trang phục vệ sĩ và không được anh Hoàn giới thiệu, chúng tôi không dám nghĩ Tuấn Anh là một vệ sĩ. Tuấn Anh sinh năm 1991 và là vệ sĩ trẻ nhất ở Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Vũ Hùng. Anh em trong công ty vẫn thường trêu nghề vệ sĩ là nghề “gia truyền” của gia đình Tuấn Anh. Bởi mẹ của em cũng là vệ sĩ và làm việc tại công ty này. Chia sẻ về nghề, Tuấn Anh bảo: “3 năm trong nghề, em tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm. Giờ gặp người xấu, bằng trực giác nghề nghiệp là em biết liền. Nghề của em luôn phải cứng rắn với các đối tượng xấu. Vì nếu mềm, dễ bị các đối tượng lôi kéo, khó hoàn thành nhiệm vụ và trụ lại với nghề. Nhưng làm nghề này cực đã đành, nhiều lúc cũng tủi lắm. Ngày mới đi làm, em tưởng không trụ nổi vì đêm phải thức còn ngày lại đi học. Chưa kể, không ít người còn nhìn mình không mấy thiện cảm. Họ cho rằng, mình chỉ là người gác cổng. Đã có lần em định bỏ nghề nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mẹ, em đã gạt bỏ tất cả để vững tâm với nghề. Giờ thì quen rồi anh ạ!…”. Tôi hỏi: “Vậy em ngủ vào lúc nào”?. Tuấn Anh cười nói: “Từ 5 giờ sáng, sau khi tan ca trực, đến 7 giờ dậy để đi học. Chiều về em lại tranh thủ ngủ tiếp”.

Qua câu chuyện với Tuấn Anh, chúng tôi mới biết thêm, hoàn cảnh gia đình em khá khó khăn, bố thường xuyên đau ốm. Thương mẹ vất vả một mình bươn chải lo cho cả gia đình, Tuấn Anh đã quyết định từ bỏ ước mơ lên Hà Nội thi đại học để xin vào làm việc tại công ty cùng mẹ. Đồng thời, em xin theo học tại Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm. “Quân tử phòng thân mà anh. Sau này, nếu không làm vệ sĩ, em có thể theo nghề mình đã được đào tạo” - Tuấn Anh cười chia sẻ.

“Hót” với nhiều người

Vất vả, đơn điệu và buồn tẻ, đôi khi phải trả giá bằng cả sự an toàn, tính mạng của mình là vậy, nhưng nghề vệ sĩ hiện nay vẫn đang là nghề “hót”. Theo lý giải của anh Vũ Tuấn Hưng, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Vũ Hùng, từ năm 2010 trở về trước, khu đô thị bao biển Cột 5 có khá nhiều ngôi nhà bị trộm “viếng thăm”. Táo bạo hơn, đã có nhà bị hơn chục tên trộm vào cùng lúc khi chủ nhà đi vắng, dùng đến cả xe cẩu để chuyển hầu hết đồ đạc trong nhà ra xe. Mỗi lần như vậy là một lần gây thiệt hại lớn cho các chủ nhà. Từ đó, nhu cầu thuê vệ sĩ bảo vệ được người dân tìm đến ngày càng nhiều. Hiện nay, không chỉ có các gia chủ của những ngôi nhà biệt thự thuê vệ sĩ mà ngay cả những khách sạn hạng sang, quán bar, nhà hàng, bệnh viện; thậm chí cả các cơ quan, doanh nghiệp cũng mướn vệ sĩ. Theo “bật mí” của lãnh đạo một số doanh nghiệp, việc thuê vệ sĩ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các doanh nghiệp, cơ quan được thực hiện “khoán trắng” theo hợp đồng, giảm chi phí, đơn giản, thuận tiện hơn rất nhiều lần so với việc hợp đồng trả lương bảo vệ hàng tháng theo như truyền thống. Có lẽ, đó là một trong những lý do để nghề vệ sĩ có đất sống và phát triển. Cũng dễ hiểu khi mà năm 2004, Quảng Ninh mới chỉ có duy nhất Công ty CP Dịch vụ thương mại bảo vệ chuyên nghiệp 135 với vẻn vẹn hơn chục người thì nay đã có gần 10 công ty tham gia thị trường này, cung cấp hơn 1.000 vệ sĩ.

Lực lượng vệ sĩ Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Vũ Hùng bảo vệ những ngôi biệt thự tại khu đô thị Cột 5, TP Hạ Long
Lực lượng vệ sĩ Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Vũ Hùng bảo vệ những ngôi biệt thự tại khu đô thị Cột 5, TP Hạ Long

Công ty CP Dịch vụ thương mại bảo vệ chuyên nghiệp 135 nằm khuất trong ngõ nhỏ thuộc phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Chúng tôi khá ngạc nhiên khi “thủ lĩnh” của công ty là người phụ nữ mảnh mai. Chị có cái tên khá ấn tượng - Phạm Thị Kim Cương. Dường như hiểu được những băn khoăn, ngạc nhiên của chúng tôi, chị dí dỏm cho biết: “Nghe từ vệ sĩ thì có vẻ rất dữ dằn nhưng những người làm nghề này không hẳn ai cũng “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Quá trình tuyển dụng và đào tạo, chúng tôi rất quan tâm đến phần giao tiếp và ứng xử. Kinh doanh ngành nghề này, bạo lực, võ thuật chỉ là hình thức tự vệ cuối cùng. Vệ sĩ không những phải hoàn thành nhiệm vụ mà còn biết cách khôn khéo ứng phó với các tình huống nhu cương”. Cũng theo chị Cương, để làm nghề vệ sĩ, cần phải có năng khiếu, thể lực; có khả năng quan sát, phán đoán và xử lý các tình huống. Nghề vệ sĩ không chỉ có nam mà còn có cả phụ nữ tham gia. Hiện Công ty chị có hơn 300 vệ sĩ và được chia theo các lĩnh vực, mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn như: Vệ sĩ nữ được phân công phụ trách tại các nhà sách, siêu thị và làm việc ca ngày; còn những vệ sĩ nam khoẻ mạnh sẽ phụ trách các vị trí nặng nhọc hơn như: Bảo vệ tại các dự án, mỏ than và làm ca đêm… Mặc dù, đến nay chưa có trường hợp vệ sĩ nào gặp sự cố, tai nạn khi đang thực hiện công việc, song công tác đào tạo vẫn luôn được Công ty chú trọng, triển khai bài bản, chuyên nghiệp. Các vệ sĩ đều được trang bị một số “vốn” căn bản, từ trình độ võ thuật đến những kiến thức tổng quan như: Luật Lao động, Luật Hình sự, cách làm báo cáo, và cách ứng phó với các tình huống như sơ cứu, phòng cháy, chữa cháy... “Nghề vệ sĩ tưởng là dễ làm nhưng có không ít người đăng ký làm việc được một thời gian lại xin nghỉ bởi không chịu được áp lực của công việc… Hiện nay, mức lương khởi điểm tuy chưa cao, nhưng nếu hết lòng vì công việc đều được khen thưởng đúng với khả năng và trách nhiệm của mình” - Chị Cương nhấn mạnh thêm.

Thay lời kết

Có “cầu” ắt có “cung”. Đó là quy luật của cuộc sống và được quyết định mạnh mẽ bởi nền kinh tế thị trường. Nghề vệ sĩ cũng vậy... Không thể phủ nhận, nghề vệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác... Thế nhưng, ngành nghề này cũng cần phải được quản lý chặt chẽ để đảm bảo tính ưu việt của nó, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, gây ra không ít tiêu cực, mặt trái như đã xảy ra ở một số tỉnh, thành khác trong thời gian qua...

Đỗ Phương - Vĩ An