“Máu” nghề
Thật lòng mà nói, từ thực tế của cá nhân tôi làm báo hơn chục năm nay thôi đã thấy cái “máu” nghề “lặn” sâu lắm, chỉ thấy gắn bó như một thói quen khó từ bỏ; công việc giờ đến như một lẽ tự nhiên và tôi cũng băng theo công việc một cách tự nhiên như thế.
Để có thêm tư liệu cho bài viết này, tôi đã hỏi một vài đồng nghiệp trẻ (không phải là những phóng viên được đánh giá cao nhất, thậm chí có người đã... đứt gánh giữa đường) và ngạc nhiên thấy họ vẫn “sôi” trào nhiệt huyết với nghề báo. Dù vậy, cảm nhận của mỗi bạn vẫn có sự khác nhau. Khi tôi hỏi: “Làm báo có thấy oai không?”, một bạn bảo: “Oai, vì mình dù chỉ là một phóng viên bình thường vẫn có thể gặp gỡ và trao đổi về nhiều vấn đề với nhiều người, kể cả lãnh đạo “to” của các đơn vị, ngành...”.
Ngược lại, một bạn có “thâm niên” hơn thì lắc đầu: “Không oai chút nào, thậm chí có khi phải cạy cục, “trày vảy” liên hệ để mong có thông tin. Nhưng có khi thông tin đầy đủ rồi, viết xong xuôi rồi cũng chưa chắc đã đăng được vì nhiều lý do…”. Hỏi tiếp: “Thế làm báo có thấy vất vả không?”; bạn lại bảo: “Vất vả, phải đi lại liên tục, công việc chịu áp lực rất lớn. Nhưng nếu không có áp lực thì cũng không có động lực để thúc đẩy làm nghề, nhất là những lúc gặp đề tài “xương xẩu”. Tôi lại hỏi: “Vất vả thế sao vẫn theo nghề?”. “Vì cũng có những niềm vui nho nhỏ, có bài báo bị lãng quên nhưng cũng có khi từ bài viết của mình có thể giúp ích được một điều gì đó cho mọi người...” - bạn chia sẻ.
![]() |
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Carnaval Hạ Long 2013. Ảnh: ĐÔ PHƯƠNG |
Còn phóng viên từng... đứt gánh mà tôi đã đề cập ở trên thì đến giờ vẫn mê nghề báo. Xin cho tôi được giấu tên cậu ấy khi nhắc lại nỗi buồn của cậu. Dạo trước, cậu bỏ nghề cũ xin vào thử việc ở cơ quan tôi. Báo viết nên đòi hỏi chữ nghĩa ngặt nghèo, cậu không đáp ứng được nên phải rời công việc không lâu sau. Ai cũng động viên bảo: “Mình chọn nghề nhưng nghề không chọn mình, thôi tìm một công việc khác phù hợp hơn làm cho thoải mái...”. Chẳng bao lâu sau, cậu có công việc mới thật nhưng gặp lại hỏi han, chúc mừng thì cậu trả lời thẳng băng, không giấu nổi sự tiếc nuối: “Nói thật với chị, giờ nếu được cơ quan nhận vào làm phóng viên, dù chỉ là hợp đồng thôi thì em sẵn sàng bỏ công việc hiện tại ngay…”. Giờ thi thoảng cậu vẫn cộng tác với chúng tôi, cứ có dịp đi đến đâu, gặp sự kiện gì hay hay là máu làm báo trong cậu ấy lại trỗi dậy, cậu sẵn sàng “tác nghiệp” ngay…
Không làm được nghề mà vẫn mê nghề như cậu thật là hiếm có, nhưng dù gì cậu cũng còn trẻ. Chúng tôi hay nghĩ, nghề báo lăn lộn vất vả, về già nghỉ ngơi cho thảnh thơi, vì vậy mà khi thấy lớp nhà báo cao tuổi vẫn say mê viết thì tôi lại càng ngạc nhiên và thêm nể phục hơn. Hăng hái nhất trong số này chắc phải kể đến lão nhà báo Tạ Kim Hùng. “Ôm” đủ thứ bệnh trong người, ông vẫn ngược xuôi làm nghề, mà lại chủ yếu là tác nghiệp những mảng gai góc mới lạ chứ. Có lần, tôi nửa đùa, nửa thật bảo: “Sao bác không nghỉ ngơi cho thoải mái, “hành” xác làm gì cho khổ?”. Ông cười, khảng khái bảo: “Tôi là cứ phải đi, phải viết, ngồi một chỗ là sinh bệnh, lăn ra ốm ngay!”. Không viết nhiều, viết khoẻ như ông, nhưng số nhà báo khi nghỉ hưu rồi vẫn viết bài cho báo chắc chắn là không hiếm. Đôi lúc, phóng viên chúng tôi lại nhận được cuộc gọi của các bác góp ý, chỉ cho rằng chỗ này viết chưa chuẩn, dùng từ chưa “đắt”, chỗ kia còn có sai sót v.v.. Thế mới hay, cái “máu nghề” một khi đã ngấm thì ngấm rất sâu, rất lâu...
Góc riêng cho... nữ phóng viên
Nghĩ về nghề báo, nhìn giữa lớp cán bộ, phóng viên vài ba thế hệ trước với lớp phóng viên hôm nay, hẳn ai cũng dễ nhận ra không chỉ là sự trẻ hoá mà còn là số lượng cũng như vai trò của các nữ phóng viên ngày càng tăng lên. Trong các cơ quan báo chí của tỉnh hiện nay, có lẽ số phóng viên nữ phải chiếm đến hơn một nửa… Không chỉ “soán ngôi” ngoạn mục, họ cũng khẳng định mình không hề thua kém đồng nghiệp nam giới cả về sự đam mê cũng như chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.
Mà nói thật, nữ giới làm báo vất vả kinh khủng. Đi nhiều, sáng sớm đã đi, tối mịt có khi vẫn chưa về; áp lực công việc lớn, “đầu tắt, mặt tối” cả ngày chưa xong, về nhà lại ôm việc về, đêm hôm thức viết bài mờ mắt, sáng ra người cứ hẫng đi là chuyện thường… Mà làm báo bây giờ có thong dong như xưa đâu, nhanh đến chóng mặt. Đi thực tế miền Đông trước đây, chúng tôi bao giờ cũng tính cứ phải đi qua ngày, thậm chí vài ngày mới về, thấy xa xôi, trắc trở lắm. Nhưng giờ thì khác, phóng viên chỉ đi nhiều là hôm trước, hôm sau về, còn chủ yếu đi trong ngày, sáng sớm đi, tối là về tới Hạ Long rồi, sáng hôm sau lại nhận việc, đi họp bình thường... May là bù lại, công việc cũng tạo nên sự duyên dáng, năng động đặc biệt cho cánh nữ phóng viên. Chẳng thế mà gương mặt dù còn phảng phất sự mệt mỏi nhưng chị em vẫn không mấy khi đánh mất nụ cười rạng rỡ...
Và cuối cùng, dù là ai, đã theo nghề báo thì phóng viên không bao giờ thôi trăn trở trên suốt chặng đường làm nghề với những câu hỏi đơn giản là phải viết gì, viết như thế nào, viết cho ai... mà để trả lời cho hết thì mãi mãi chưa xong, giống như duyên nợ, cũng tự nhiên như cơm ăn, nước uống, như mỗi hơi thở vậy. Đó là trải nghiệm của tác giả bài viết này, cũng có thể là trải nghiệm của những đồng nghiệp khác chăng, xin chia sẻ cùng các bạn nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay.
Ngọc Mai