Thứ ba, 29/04/2025, 20:28 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Người nhiễm HIV khó có công việc ổn định

Trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều khó khăn, người khoẻ mạnh muốn tìm một việc làm phù hợp, thu nhập ổn định không phải là điều đơn giản. Đối với những người nhiễm HIV/AIDS thì đây lại càng là việc không dễ dàng.

Chị B.T.H (SN 1980), hiện ở tổ 3, khu Tân Lập, phường Cẩm Thuỷ (TP Cẩm Phả) có chồng nghiện ma tuý, nhiễm HIV và mất năm 2009 trong trại giam. Nỗi đau nhân lên khi chị phát hiện mình và con trai lớn cũng mang trong người vi rút HIV. Hiện, ba mẹ con chị ở nhờ trong căn phòng chưa đầy 20m2 của nhà bà ngoại. Hoàn cảnh càng khó khăn khi năm 2011, chị H bị tai nạn xe máy, năm 2012 lại phải mổ vì nghi ung thư tử cung. Bệnh tật, ốm yếu, không nghề nghiệp, không vốn liếng, chị H phải chật vật làm đủ nghề như chạy chợ, bán rau, quét rác… để đảm bảo cuộc sống của ba mẹ con. Nghĩ đến tương lai, chị chỉ khóc. Chị bảo: “Tôi năm nay ngoài ba mươi, lại là phụ nữ, tôi có thể cố gắng đi bán rau, chạy chợ nuôi con. Tôi chỉ lo cho con trai lớn. Cháu năm nay học lớp chín rồi, chẳng mấy mà học hết cấp ba. Với tình trạng có HIV thì không biết sau này cháu có thể làm được gì, hay có nơi nào nhận cháu vào làm việc. Nếu không có việc làm thì cháu sẽ sống thế nào?”.

Bản thân thường xuyên đau ốm lại không có việc làm ổn định, cuộc sống của ba mẹ con chị B.T.H gặp rất nhiều khó khăn.
Bản thân thường xuyên đau ốm lại không có việc làm ổn định, cuộc sống của ba mẹ con chị B.T.H gặp rất nhiều khó khăn.

Nỗi niềm của chị H cũng là suy nghĩ, lo lắng chung của những người có H. Thực tế cho thấy, người có HIV thực sự khó khăn khi hoà nhập cộng đồng và càng khó khăn hơn khi muốn có một việc làm với thu nhập ổn định. Đặc biệt, cơ hội việc làm cho họ tại các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Đơn cử như CLB Hoa hướng dương 1 (TP Hạ Long) có khoảng trên 40 thành viên là nữ nhiễm HIV thì chỉ 15% trong số đó có việc làm nhưng cũng không ổn định. Số chị em còn lại đa phần làm nghề tự do, thất thường như buôn bán rau quả, buôn bán nhỏ. CLB cũng đẩy mạnh việc cho vay vốn để phụ nữ có H trên địa bàn được tham gia nhiều hình thức kinh doanh tạo thêm thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Tuy vậy, với số tiền cho vay nhỏ, chỉ từ 2 đến 5 triệu đồng nên cũng chỉ phần nào trợ giúp cho chị em trong làm ăn, chưa tạo được sự bền vững trong đồng vốn, trong công việc. Có nhiều lý do khiến người có HIV khó tìm công việc, có thể kể ra như: Thiếu sức khoẻ, trình độ, kỹ năng, vốn liếng v.v.. Trong số đó, sự kỳ thị, phân biệt, đối xử của xã hội vẫn là rào cản lớn nhất đối với người có HIV khi tìm việc làm. Đây cũng là lý do khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp ngại tiếp nhận hoặc sử dụng người nhiễm HIV, nhất là người sau cai nghiện hoặc gái bán dâm.

Những năm trước đây, Quảng Ninh có nhiều nguồn tài trợ cho các tổ, nhóm, CLB của những người có HIV. Khi đó, nhiều người có HIV tham gia các hoạt động CLB, nhóm trợ giúp v.v.. đồng thời nhận công việc của một đồng đẳng viên, tham gia tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Như thế, mỗi tháng họ cũng có công việc và một khoản thu nhập ổn định từ việc này. Tuy nhiên, từ năm 2012, các dự án quốc tế bắt đầu cắt giảm kinh phí viện trợ. Nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS lại rất eo hẹp. Do đó gây ra ảnh hưởng lớn tới hoạt động phòng chống HIV/AIDS, trong đó có hoạt động của các tổ nhóm, CLB và ảnh hưởng trực tiếp đến những người có HIV.

Nhà nước đã ban hành Luật Phòng chống lây nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS; Chính phủ cũng đã có Nghị định về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật, trong đó có quy định phải lồng ghép các hoạt động phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho người có HIV… Tuy nhiên, trên thực tế thì cơ hội có việc làm để tự nuôi sống bản thân và có cuộc sống ổn định thì vẫn là điều rất khó khăn đối với những người có H.

Hoàng Nhi