Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Theo Thông tư này, từ ngày 1-6, NHNN sẽ thực hiện giải ngân khoản vay tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng cho một số ngân hàng được chỉ định để hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với các đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Đáng chú ý, trong gói tín dụng ưu đãi này sẽ có khoảng 30% nguồn vốn được dành cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà đầu tư, DN Quảng Ninh có thể rất khó để tiếp cận khoản vốn vay này.
Nguồn vốn hạn hẹp
Nhằm cụ thể hoá nội dung Thông tư 11, cuối tháng 6, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1250/ BXD-QLN về việc hướng dẫn xác định đối tượng, điều kiện và trình tự thủ tục cho vay mua nhà trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Theo đó, đối tượng được vay vốn bao gồm các DN là chủ đầu tư nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội theo quy định tại Thông tư số 02/2013/ TT-BXD ngày 8-3-2013 của Bộ Xây dựng. Cùng trong nhóm còn có các DN là chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Để được vay vốn, tất cả các dự án phải đáp ứng các điều kiện như: Được cấp có thẩm quyền phê duyệt và văn bản chấp thuận đầu tư; có đất sạch và giấy phép xây dựng, trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì phải có văn bản xác nhận của Sở Xây dựng địa phương. Các DN có thể trực tiếp hoặc thông qua UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ đáp ứng các điều kiện nêu trên, kèm theo nhu cầu lượng vốn cần vay về Bộ Xây dựng để kiểm tra, thẩm định và tổng hợp gửi NHNN và các ngân hàng.
![]() |
Nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, sẽ có thêm nhiều DN trong tỉnh mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong ảnh: Khu chung cư dành cho cán bộ, công nhân Công ty Than Dương Huy. Ảnh: Thanh Hằng |
Chính sách thì khá rõ ràng, mức lãi suất cho vay được cho là hấp dẫn DN đầu tư (lãi suất năm 2013 là 6%) thế nhưng, theo đại diện các ngân hàng nằm trong danh sách được tái cấp vốn của NHNN để thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội thì sẽ không có nhiều doanh nghiệp nhận được nguồn vốn vay này. Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Quảng Ninh giải thích: “Trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nguồn cho doanh nghiệp vay chỉ được 9.000 tỷ đồng. Nếu đem con số này chia cho hơn 60 tỉnh, thành phố trong cả nước thì số vốn đổ về mỗi địa phương thật quá ít ỏi. Giả sử DN được vay thì khoản vay này cũng rất ít, không đủ thực hiện dự án. Chưa kể ở một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã và đang có tiền đề khá tốt phát triển nhà ở xã hội nên khả năng các DN ở đây tiếp cận vốn sẽ dễ dàng hơn các DN ở địa phương khác”.
DN mong chờ chính sách của tỉnh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tiếp cận nguồn vốn 30.000 tỷ đồng còn khó khăn, vậy nên đa số doanh nghiệp BĐS của Quảng Ninh đến thời điểm này không còn dành quá nhiều sự quan tâm cho gói hỗ trợ này. Thay vào đó, các DN cho rằng, để hỗ trợ thị trường BĐS căn bản nhất vẫn là những cơ chế chính sách của tỉnh. Ông Phạm Văn Thể, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “đối với những DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội thời điểm này cần phải được tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời tỉnh nên có những chính sách ưu đãi rõ ràng hơn để DN yên tâm đầu tư”. Chung quan điểm này, đại diện Công ty CP Xây dựng Quảng Ninh cho biết: “Công ty chúng tôi có hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD, vì vậy ngay cả trong thời điểm này chúng tôi vẫn hoàn toàn có thể xúc tiến các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng được. Thế nhưng điều chúng tôi rất băn khoăn là về những cơ chế chính sách chưa thực sự rõ ràng khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này khó có sự đảm bảo vững chắc. Ví dụ như quyền được bảo hộ công trình sử dụng trong thời gian nhất định. Chưa kể một số quy hoạch của địa phương vẫn còn có sự thay đổi, điều này ảnh hưởng ít nhiều tới dự án”.
Được biết, để hỗ trợ hoạt động cho các DN, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thời gian qua bên cạnh những cơ chế của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện một số cơ chế ưu đãi riêng biệt. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến thời gian thẩm định, phê duyệt dự án để giúp DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó là những ưu đãi về thuế, vốn vay…
Hồng Nhung