Thứ 7, 03/05/2025, 6:05 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Nợ bảo hiểm xã hội gia tăng: Cần có cơ chế bảo vệ người lao động

Bắt đầu từ ngày 1-5-2013, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động (chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội...), nhưng thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang ngày càng gia tăng, điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi của người lao động đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.



Người lao động chịu thiệt

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay số tiền nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong toàn tỉnh đã lên tới 173 tỷ đồng. Những gương mặt “điển hình” về nợ BHXH là các doanh nghiệp thuộc Vinashin nợ trên 40 tỷ đồng; Công ty CP Viglacera Đông Triều nợ gần 4,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh nợ trên 2,5 tỷ đồng; Công ty 508 nợ 1,375 tỷ đồng... Khi doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, mọi quyền lợi liên quan của người lao động như chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp... đều ở tình trạng “treo”. Cũng vì thế nên việc nợ đọng BHXH lớn đang dẫn tới quỹ BHXH bị thâm hụt, khi mà số thu không đủ bù số chi, và người thiệt thòi không ai khác vẫn là người lao động.

Công nhân Công ty Taiheiyo ShinJu Việt Nam (Vân Đồn) đang thực hiện công đoạn cấy ngọc trai.
Công nhân Công ty Taiheiyo ShinJu Việt Nam (Vân Đồn) đang thực hiện công đoạn cấy ngọc trai.

Tác giả bài viết còn nhớ, khi cùng cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh) tham gia một buổi tư vấn pháp luật cho CNLĐ Công ty TNHH Everbest Cẩm Phả, có một công nhân đã bày tỏ sự bức xúc rằng, vợ anh làm tại một công ty trên địa bàn TP Cẩm Phả đã hơn hai năm, mỗi lần lĩnh lương đều bị doanh nghiệp trừ tiền đóng BHXH, thế nhưng khi nghỉ chế độ thai sản, vợ anh đã không được nhận một đồng nào từ BHXH, bức bối đi tìm hiểu anh mới vỡ ra rằng, Công ty này dù đã thu tiền BHXH của công nhân nhưng lại giữ không đóng lên quỹ BHXH. Thành ra, mọi quyền lợi đáng lẽ được hưởng khi nghỉ chế độ thai sản, vợ anh đều bị mất. Trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân đã thôi việc của Công ty TNHH MTV 508 (Công ty 508) cho biết: Khi Công ty làm ăn khó khăn, nhiều người xin nghỉ việc nhưng do chưa tìm được việc ở cơ quan khác nên yêu cầu Công ty chốt sổ BHXH để đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thì mới biết nhiều tháng nay Công ty chưa đóng BHXH cho người lao động trong khi hàng tháng vẫn trừ tiền nộp BHXH của công nhân.

Thực trạng doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan BHXH không thể chốt sổ BHXH để người lao động hưởng chế độ. Rơi vào tình cảnh này, nhiều lao động gần như phải ngậm đắng, bởi họ không biết làm cách nào để đòi quyền lợi cho bản thân. Nhiều công nhân cho rằng, những người mới đi làm thì đành chấp nhận bỏ việc, chịu thiệt một chút, nhưng những người đã làm lâu năm thì việc doanh nghiệp hành xử như vậy là rất nhẫn tâm với người lao động.

Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng trên thực tế, số lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp khi bị đau ốm, bệnh tật không được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật không nhỏ. Tuy nhiên, người lao động vẫn không lên tiếng vì quyền lợi của mình, hoặc không hề hay biết việc này. Một phần, họ sợ bị chủ doanh nghiệp sa thải, một phần do không nắm rõ quy định của Nhà nước về BHXH. Thực chất, BHXH là những cái “van” bảo hiểm an sinh, nhưng nếu họ không được đảm bảo thì xét về bản chất, đó là một hình thức bóc lột người lao động. Hơn bao giờ hết, người lao động rất cần những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi chậm đóng hoặc cố tình chây ỳ, không đóng BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ chế nào bảo vệ quyền lợi cho người lao động?

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã thực hiện một số giải pháp để xử lý nợ BHXH như phối hợp với toà án, thanh tra lao động, LĐLĐ tỉnh... trong giám sát thực hiện Luật BHXH. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên việc phối hợp này chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn, tình trạng doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH vẫn không giảm. Vậy cơ chế nào để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trước tiên người lao động cần có động thái bảo vệ chính mình như: Tìm hiểu kỹ về các chế độ chính sách lao động, Luật BHXH, trao đổi thẳng thắn với doanh nghiệp khi phỏng vấn xin việc; sau thời gian thử việc, đề nghị Công ty làm thủ tục đăng ký BHXH; sau đó thường xuyên quan tâm về số sổ BHXH đã đăng ký cho mình; kiến nghị với công đoàn công ty hoặc LĐLĐ huyện, thị, thành phố để được hỗ trợ. Về phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cần có chế tài xử phạt nghiêm các đơn vị nợ đọng BHXH, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp nếu chây ỳ nợ BHXH... Bên cạnh đó, cần có cơ chế giúp người lao động không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp nợ hay không nợ BHXH. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt đối với các tổ thu BHXH không thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi nợ BHXH... Có như vậy, mới nâng cao vai trò trách nhiệm của nhà nước, thay đổi được ý thức của những cán bộ có chức năng, nhiệm vụ hiện đang nghĩ rằng đó là chuyện giữa người lao động và doanh nghiệp, được thì người lao động nhờ, không được thì doanh nghiệp chịu, còn bản thân mình thì “có thưởng vô phạt”. Có như vậy, mới bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh trong thực hiện pháp luật.

Trung Anh